Cập nhật: Chủ nhật 13/03/2022 - 07:09
Mô hình trồng rau an toàn ở xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên). Ảnh: Thế Hà
Mô hình trồng rau an toàn ở xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên). Ảnh: Thế Hà

Chuyển đổi số (CĐS) đang là xu thế tất yếu của thời đại, nhất là dưới tác động của đại dịch COVID-19, ứng dụng công nghệ số được coi là giải pháp quan trọng đối với mỗi địa phương, lĩnh vực và người dân trong phát triển. Tại Thái Nguyên, nông nghiệp là một trong 5 lĩnh vực then chốt được tỉnh tập trung nguồn lực triển khai thực hiện CĐS nhằm góp phần tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp, tạo vị thế cho nông sản địa phương và thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình CĐS tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Sở đã phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tham mưu ban hành Kế hoạch CĐS lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT.

Trong đó, tập trung vào các nội dung: Ứng dụng CĐS để phục vụ công tác cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước của Ngành; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh; quản trị và quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng hệ thống dữ liệu Ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, nâng cao nhận thức của nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm; phát triển thương mại điện tử (TMĐT), quảng bá thương hiệu nông sản, sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh…

Thực hiện quảng bá, giới thiệu, kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm nông sản, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với một số sở, ngành, đơn vị hướng dẫn xây dựng kịch bản và kỹ thuật livestream (phát sóng trực tiếp) bán nông sản, sản phẩm trên mạng xã hội cho hàng nghìn lượt người bằng hình thức trực tuyến; hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, hỗ trợ 180.000 tem truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh; thiết kế bao bì, nhãn mác và website quảng bá sản phẩm cho 132 doanh nghiệp, HTX; đào tạo, tập huấn cho trên 1.300 hộ sản xuất, kinh doanh nông sản; tạo tài khoản bán hàng cho 653 hộ; đưa 1.029 sản phẩm lên sàn TMĐT, trong đó 129 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được giới thiệu, quảng bá, thiêu thụ trên các nền tảng, như: C-ThaiNguyen, Viettel, VnPost, Voso, Sendo, Lazada, Shopee...

Ông Nguyễn Văn Đường, ở tổ dân phố 3, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư lò ấp công nghệ cao, góp phần đảm bảo sản xuất trên 4 triệu con gà giống chất lượng cao cung ứng ra thị trường. Ảnh: A.N

Cùng với việc tăng cường hỗ trợ, ngành Nông nghiệp của tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về CĐS, qua đó, nhiều doanh nghiệp, HTX nông nghiệp, đặc biệt là nông dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động ứng dụng công nghệ số trong sản xuất.

Đơn cử như “tỷ phú nông dân” Nguyễn Văn Đường, chủ cơ sở ấp nở gia cầm ở tổ dân phố 3, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình). Ông Đường không chỉ mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi quy mô 13.000 con gà bố mẹ/năm trên khu đất rộng 18.000m2, lắp đặt hệ thống tự động điều khiển ánh sáng, cấp nước uống, thức ăn, mà còn đầu tư 150 triệu đồng lắp đặt 30 mắt camera giám sát tại khu chăn nuôi và xung quanh trang trại. Năm 2021, ông Đường thay toàn bộ trên 20 lò ấp cũ để lắp mới 8 lò ấp công nghệ mới hiện đại với kinh phí 1,2 tỷ đồng.

Ông Đường chia sẻ: Nhờ áp dụng công nghệ số, tự động hóa này, bất kể thời gian nào trong ngày, dù ở nơi đâu, tôi cũng kiểm soát được tình hình chăn nuôi, bảo đảm an toàn, an ninh, không tốn nhiều kinh phí thuê nhân công lao động, việc chăn nuôi kinh doanh ngày càng hiệu quả. Trang trại của gia đình tôi hiện cho lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng/năm.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, cùng với người nông dân, doanh nghiệp, HTX trong tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị trực thuộc cũng rất chú trọng đẩy mạnh ứng dụng CĐS, công nghệ số trong nhiệm vụ chuyên môn. Cụ thể, Sở và một số đơn vị trực thuộc đã nâng cấp trang website, xây dựng chuyên mục riêng về CĐS, cung cấp thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, 4.

Trong năm 2021, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tiếp nhận và xử lý trên phần mềm điện tử đồng bộ với Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh gần 30.000 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó, số hồ sơ thực hiện ở mức độ 4 (chiếm trên 46%); các thông tin được đăng tải trên website của Sở và tích hợp trên ứng dụng C-ThaiNguyen đã thu hút trên 10 triệu lượt tổ chức, cá nhân truy cập, tra cứu thông tin…

Ngoài ra, nhiều phần mềm, ứng dụng phục vụ công tác số hóa thông tin, dữ liệu Ngành đã được đưa vào sử dụng. Đơn cử như: Phần mềm quản lý cây xanh “ThaiNguyen SmartTrees” với 1,44 triệu cây xanh được gắn mã QR giúp cơ quan chức năng giám sát, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển, di dời của cây; lắp đặt và sử dụng 10 biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng tự động, trả kết quả dự báo cấp cháy rừng về điện thoại của cán bộ kiểm lâm để chủ động phòng nguy cơ cháy rừng.

Hay với phần mềm Quản lý khách hàng, ghi chỉ số và hóa đơn điện tử (citywork.vn) do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn đã và đang triển khai với việc hỗ trợ vận hành khai thác 25 công trình cấp nước sinh hoạt cho khoảng 20.000 hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh. Từ đó, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, đơn giản hóa việc truy xuất dữ liệu và tăng hiệu quả quản lý các công trình cấp nước nông thôn…

Có thể thấy rằng, sau hơn 1 năm triển khai chương trình CĐS trong lĩnh vực Nông nghiệp, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch COVID-19, nhưng hoạt động sản xuất nông nghiệp trong tỉnh vẫn diễn ra bình thường, không xảy ra tình trạng ứ đọng nông sản. Năm 2021, nhiều chỉ tiêu sản xuất của ngành Nông nghiệp đạt kết quả cao, như: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 4,18% so với năm trước đó; giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt 117,8 triệu đồng/ha, đạt 102,4% kế hoạch...

Về định hướng trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Dương Sơn Hà thông tin: Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh Chương trình CĐS giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi; đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; tăng cường phổ biến, tuyên truyền nâng cao các kỹ năng số cơ bản cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các HTX, THT và người nông dân…

Ngọc Ánh