Cập nhật: Chủ nhật 13/03/2022 - 07:43
Các thành viên Tổ Vệ sinh môi trường Dòng Suối và nhân dân trong vùng không để rác bẩn làm ô nhiễm môi trường.
Các thành viên Tổ Vệ sinh môi trường Dòng Suối và nhân dân trong vùng không để rác bẩn làm ô nhiễm môi trường.

“Dòng Suối… Dòng Suối nghe đây…”

Thoạt nghe thấy giống trong phim hình sự. Nhưng không phải, đó là cuộc trao đổi giữa các thành viên Tổ Vệ sinh môi trường Dòng Suối, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương). Họ luôn sẵn sàng với công việc dọn dẹp rác thải nơi công cộng. Việc làm của họ đã góp công lớn trong việc khơi dậy được tinh thần trách nhiệm, nâng cao ý thức tự giác về gìn giữ, bảo vệ môi trường của người dân trên địa bàn.

"Sau Tết Nguyên đán, rác thải sinh hoạt ùn lên nhiều hơn. Nhất là dưới dòng suối đi qua địa bàn thị trấn. Theo đó là ô nhiễm môi trường, nhiều thứ dịch bệnh phát sinh. Nhưng đó là chuyện của ngày xưa, vì những năm gần đây hiện tượng xả rác, ném rác bừa bãi ra chỗ… “không phải đất nhà mình” đã không còn xảy ra" - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Giang Tiên, ông Hoàng Trung Kiên cho biết.  

Thấy tôi phân vân với câu hỏi vì sao lại có sự thay đổi đáng mừng như vậy, ông Kiên tự hào: Các thành viên Tổ Vệ sinh môi trường Dòng Suối và nhân dân trong vùng đã làm nên “điều kì diệu” này.

Để minh chứng lời mình nói, ông dẫn tôi đi dọc thị trấn, rồi tắt đường ra cánh đồng Lán Đá, theo xuống dòng suối không tên để mục sở thị. Ghi nhận trên đường phố rác thải được để đúng chỗ, còn dưới lòng suối nước chảy trong vắt, ì ụp dưới mé nước có mấy người thả lưới, đơm lờ bắt cá.

Thấy chúng tôi đến gần, một người trong số họ chủ động khơi chuyện: Cả tháng Tết bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành “nhồi” ngấy đến ngập cổ. Nên chúng tôi rủ nhau ra khúc suối này đánh bắt ít cua, cá về cải thiện bằng bữa lẩu… Một người khác trong nhóm phấn chấn: Cua cá dưới suối tự sinh tồn, không được nuôi bằng cám, nên người trong vùng gọi là món đặc sản…

Câu chuyện vui gợi tôi liên tưởng đến không ít dòng chảy trên địa bàn tỉnh đang bị rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt "bức tử". Đó là những dòng suối mang nặng mùi do ô nhiễm, con cua gầy xác xương, con cá bắt lên bờ thấy đầu to, thân tóp; cố kho, rán nhưng cũng không nuốt nổi vì có vị đắng khác thường. Nhiều dòng chảy bị ô nhiễm nặng, đến cả loài vật được coi là sống dai nhất - đỉa cũng không tồn tại. Nhưng ở khúc suối đầu nguồn này vẫn là môi trường sống phù hợp cho các loài thủy sản phát triển.

Rác trên đường phố đã có đội ngũ những người làm công tác môi trường của huyện thu gom, xử lý. Khó khăn nhất là rác thải ở dưới lòng suối. Bởi suối không có tên, và suối chẳng thuộc cơ quan, đơn vị cụ thể nào quản lý, chịu trách nhiệm về ô nhiễm do rác thải. Đây là lý do để Hội Nông dân thị trấn Giang Tiên vận động hội viên tham gia và thành lập Tổ vệ sinh môi trường.

Bà Bùi Thị Minh, Tổ trưởng Tổ vệ sinh môi trường, mộc mạc: Tổ thành lập vào tháng 7-2019, gồm 10 thành viên. Nhiều người thắc mắc hỏi: Sao Tổ không lấy một cái tên oách tí cho kêu. Tôi bảo: Cái tên Dòng Suối cũng oách chứ. Nó giống như một mật danh các chú công an hay dùng trong phim hình sự. Nên cứ đâu gọi đến là Dòng Suối chúng tôi có mặt.

Trước lúc hòa vào sông Giang Tiên, dòng suối này còn trải dài hơn 2km qua thị trấn. Vào hôm mưa lũ, nước dềnh lên ngập đồng, cuốn theo từ phía thượng nguồn tất cả những gì có thể. Mùa khô, dòng nước trở nên hiền hòa, nhưng thường xuyên bị “vấy bẩn” bởi thái độ vô ý thức của không ít người, họ ném xuống những vật chất thừa thãi mang tên rác thải. Nhiều nhất vẫn là những túi nilong chứa rác thải sinh hoạt , phó mặc cho dòng nước mang đi. Không ít lần vì rác thải dồn lại với khối lượng lớn, các thành viên Dòng Suối phải mượn thuyền để gom rác, làm cáng khiêng chuyển đến vị trí xử lý chung.

Chỉ cho tôi xem những bụi cây mọc giữa dòng nước, ông Đào Duy Phúc, Tổ phó bức xúc: Đây là điểm đầu dòng nước đi vào địa phận thị trấn. Do nước đi qua gầm cầu, nên đoạn này được Nhà nước đầu tư xây dựng bằng bê tông cốt thép, song tiếc là sau khi xây dựng hoàn thành, “người ta” để đất lấp lên bề mặt lòng bê tông dày khoảng 1 mét. Do đó, cây dại có chỗ bám rễ, mọc xanh tốt, trở thành vật cản dòng chảy và chắn rác từ mạn xã Phấn Mễ đổ về. Rất khó khăn cho chúng tôi khi làm nhiệm vụ vì rác nhiều, lòng suối sâu, sình bùn ngập bẩn…

Thành viên của Tổ, bà Đoàn Thị Nhị cũng bức xúc không kém: Là rác thải  sinh hoạt thì chúng tôi cho lên bờ từ lâu rồi. Nhưng đây là đất đá do đơn vị thi công công trình bỏ lại, ước chừng vài chục mét khối, chúng tôi không làm xuể. Còn ông Trương Hồng Phúc thở dài: Giá như cơ quan chức năng Nhà nước quan tâm, yêu cầu đơn vị thi công dọn dẹp, trả lại sự yên bình cho dòng chảy ngay từ đoạn đầu vào địa phận thị trấn thì người dân mừng lắm. Tổ môi trường chúng tôi cũng vơi đi nỗi cực nhọc.

Tận mắt chứng kiến mới thấy được phần nào sự nhiệt tâm của các thành viên Dòng Suối. Mỗi lần làm nhiệm vụ, họ ì oạp trong dòng nước, nhiều đoạn nước ngập ngang người, hoặc bùn thụt tới đầu gối để nhặt từng mớ rác đưa lên bờ, gom lại thành đống để chuyển đi. Vào hôm trời nắng ấm còn thoải mái, gặp bữa trời rét đậm, rét hại, da thịt tê tái cũng cố nhoài bò trong dòng nước. Cứ mặc kệ, họ hăng hái cùng vượt lên tất thảy. Thậm chí thấy vui, coi đó như một sự trải nghiệm ý nghĩa trong cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Lan chia sẻ: Chúng tôi không nề nan rác bẩn, chỉ mong dòng chảy quê mình được trong xanh, sạch đẹp. Nhiều tôm, cá bơi lội, nhiều người nghèo trong vùng có cơ hội đánh bắt cải thiện cuộc sống.

Hơn 2km dòng chảy do Tổ quản lý còn là hơn 2.000 nỗi cực nhọc với các thành viên Dòng Suối. Tôi nghĩ như thế vì “nước chảy chỗ trũng”. Rác thải các loại theo dòng nước mà dềnh lên. Tiện tay người ta cũng ném rác xuống suối. Rồi như một lẽ hiển nhiên, hàng trăm người làm nhà quay lưng về suối, xã nước thải sinh hoạt của gia đình xuống suối. Ông Nguyễn Văn Trung, một hộ dân có nhà dựa lưng vào dòng chảy này bộc bạch: Hầu hết các hộ dân đều xây được bể tự hoại, nên nước được “sơ chế” rồi mới trả ra môi trường tự nhiên… Tôi buột miệng nói vui: Thế là mừng, cái bể phốt cũng thể hiện đời sống kinh tế - văn hóa tinh thần của người dân vùng này phát triển. Chứ lề thói của một thời “Quận công chạy đồng” xưa thì chắc chắn dòng nước sẽ lềnh phềnh những thứ chẳng ai muốn nhìn.

Vẫn là các thành viên mang tên Dòng Suối. Mỗi người một việc, dọn bờ, phát cây; chuyên gom rác vào vị trí quy định. Thỉnh thoảng lại có ai đó kêu hú lên vì giật mình: Một con rắn nhỏ trốn vội vào bờ cỏ; rồi bất chợt từ nhà ai đó xả nước qua đường ống làm ướt áo người dọn suối. Ông Trương Hồng Đức, thành viên của Tổ nói: Đều từ ý thức mà ra. Cứ thấy rác thì nên dọn ngay. Vì để rác bữa bãi, mỗi ngày bản thân mình đều phải nhìn, phải ngửi.

Tổ vệ sinh môi trường Dòng Suối đã mang lại sự trong lành cho một dòng chảy đầu nguồn. Bằng việc làm thiết thực, các thành viên Dòng Suối đã khơi dậy được ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trước môi trường sống. Đồng thời truyền được cảm hứng yêu môi trường, lan tỏa phong trào bảo vệ môi trường bằng hành động không vứt bỏ rác bữa bãi.

Chia tay với chúng tôi, bà Minh còn dặn với: -Có gì anh cứ gọi, Dòng Suối luôn sẵn sàng…

- Vâng, tôi sẽ gọi trong trường hợp phát hiện trên dòng chảy này có nhiều rác.

Bà cụng khuỷu tay với tôi theo cách chào của thời phòng, chống đại dịch COVID-19. Rồi vội trở lại với công việc của Dòng Suối - một công việc tự nguyện, không có bất cứ thù lao gì.

Tôi thầm nhủ: Giá như những địa phương có dòng chảy đi qua khu dân cư đều có các thành viên tự nguyện, nòng cốt như Dòng Suối. Đời sống sức khỏe, tinh thần của mỗi người bên bờ được bảo đảm, và sẽ vơi đi hệ lụy do môi trường ô nhiêm gây nên.

Phạm Ngọc Chuẩn