Trong vòng 10 ngày (từ 11-21/3), dao động MJO có xu hướng di chuyển về phía đông và có khả năng góp phần tăng mưa cho khu vực phía Nam từ khoảng ngày hôm nay (13-3).
MJO là một dao động nội mùa trong khu vực nhiệt đới, ảnh hưởng đến nhiều yếu tố thời tiết như lượng mây bao phủ, lượng mưa, tốc độ và hướng gió, nhiệt độ mặt nước biển. Các nghiên cứu cho thấy, dao động không chỉ hoạt động và ảnh hưởng đối với riêng khu vực nhiệt đới mà còn cả ở khu vực ngoại nhiệt đới.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, từ 11-21/3, khu vực phía Bắc tiếp tục chịu ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ yếu và lệch đông. Sau đó khoảng từ ngày 21/3-10/4, không khí lạnh có xu hướng hoạt động trở lại.
Cụ thể, thời tiết từ ngày 11-20/3, các tỉnh miền Bắc chủ yếu chịu ảnh hưởng của không khí lạnh suy yếu nên ở khu vực phía Đông Bắc Bộ phổ biến có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù tập trung chính vào đêm và sáng.
Từ ngày 15-18/3, khu vực Bắc Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng của hội tụ gió ở mực 5.000m nên xuất hiện mưa, mưa rào và rải rác có dông; trời rét chủ yếu về đêm và sáng.
Khu vực Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế từ ngày 16-18/3 có khả năng xuất hiện mưa, mưa rào và có nơi có dông.
Tây Nguyên và Nam Bộ chịu ảnh hưởng của nhiễu động gió đông nên có khả năng xuất hiện mưa dông trái mùa tập trung về chiều tối nhất là các ngày 13-14/3 và ngày 18-19/3.
Từ ngày 21/3-10/4, nhiệt độ trên cả nước có xu hướng thấp hơn so với trung bình nhiều năm, nhất là khu vực phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế thấp hơn từ 1-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Tổng lượng mưa ở khu vực Bắc Bộ phổ biến từ 50-100mm, có nơi cao hơn. Khu vực bắc Trung Bộ mưa từ 40-80mm. Khu vực trung Trung Bộ mưa từ 60-120mm. Khu vực nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến có mưa từ 40-80mm, cục bộ có nơi cao hơn; riêng Ninh Thuận - Bình Thuận có mưa thấp hơn.