Mùa hoa nối tiếp mùa hoa
Cao nguyên Bắc Hà nằm ở độ cao từ 1.000 - 1.500m so với mực nước biển và sở hữu điều kiện thiên nhiên, địa hình, khí hậu vô cùng lý tưởng. Địa hình nơi đây chủ yếu là những dãy núi với thung lũng hẹp, tạo nên cảnh quan đa dạng, đặc trưng của vùng núi Tây Bắc. Với kiểu khí hậu á nhiệt đới ôn hòa, thời tiết ở Bắc Hà rất mát mẻ về mùa hè và không quá lạnh về mùa đông, rất phù hợp với loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Không những thế, kiểu khí hậu này còn mang lại cho Bắc Hà những lợi thế lớn trong việc trồng và phát triển diện tích trồng các loại cây mận, lê - những loài cây đặc hữu tạo nên thương hiệu “cao nguyên trắng” cho Bắc Hà.
Đến với Bắc Hà vào mùa xuân, du khách chìm đắm trong sắc trắng tinh khôi của những vườn mận trong làng bản. Vào dịp này, những cây mận thường ngày “ngủ yên” trong màu nâu của vỏ cây xù xì, khẳng khiu bỗng bật lên những chùm hoa trắng xóa xen với màu lá xanh non căng tràn nhựa sống. Những cung đường, những địa danh như Bản Phố, Tà Chải, Lùng Phình, Thải Giàng Phố, Tả Van Chư, Lùng Cải... bỗng được nhuộm trắng bởi những “thảm” hoa mận. Không giống những nơi khác, Bắc Hà có hai mùa mận nối tiếp nhau, đó là mùa mận Tam hoa - thường nở rộ từ đầu tháng 1 đến tháng 2 dương lịch. Khi mận Tam hoa tàn là lúc hoa mận Tả Van và hoa lê bung nở từ cuối tháng 2 cho tới hết tháng 3. Cũng bởi khoảng thời gian hoa mận, hoa lê nở trắng các sườn đồi, ngọn núi hay trong vườn nhà kéo dài, diện tích trồng cây lớn đã tạo cho Bắc Hà vẻ đẹp thơ mộng, hoang sơ, khiến vùng đất này được định danh là “cao nguyên trắng”.
Nhưng Bắc Hà không chỉ có hoa mận, hoa lê mà các mùa hoa cứ nối tiếp nhau không dứt. Vào tháng 1 hằng năm, hoa mai anh đào nhuộm hồng cả khu vực hồ Na Cồ và xung quanh thị trấn Bắc Hà. Đến tháng 4, khi thời tiết ấm hơn, những ngọn đồi nhỏ ở Bản Phố, Lử Thẩn lại ngập trong sắc vàng của hoa cải hay màu phớt hồng của tam giác mạch. Tháng 5 - 6, người dân Bắc Hà hối hả thu hoạch quả mận, đào, lê. Từ tháng 7 đến tháng 9, hoa cát cánh - một loại cây dược liệu - lại nhuộm tím những ngọn núi bảng lảng sương. Từ tháng 9 trở đi, khi mùa thu đến, cao nguyên Bắc Hà lại khoác lên mình lớp áo vàng óng ả và hương thơm nức của lúa chín, báo hiệu mùa vàng no đủ...
Đồng hành cùng người dân
Chỉ riêng sản phẩm du lịch theo các mùa hoa tại Bắc Hà đã được các doanh nghiệp lữ hành đồng hành cùng người dân đẩy mạnh khai thác trong thời gian qua. Tuy nhiên, bà Vũ Thị Thanh Hà, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ du lịch Thiên Hà (Esyways Travel) cho rằng: “Tour ngắm hoa tại Bắc Hà hiện vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu và còn mang tính mùa vụ nên chưa được nhiều du khách biết tới. Đây sẽ là sản phẩm “đinh” nếu được nghiên cứu, xây dựng bài bản cho từng đối tượng chuyên biệt. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, mô hình du lịch cộng đồng kết hợp với ngắm hoa, khám phá bản làng và các sắc màu văn hóa tại Bắc Hà hứa hẹn sẽ là sản phẩm hấp dẫn. Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh việc xây dựng sản phẩm, tăng cường quảng bá, xúc tiến và đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp để ngày càng nhiều du khách biết tới hơn”.
Bên cạnh sản phẩm du lịch gắn với hoa mận, hoa lê, thời gian qua, Trung tâm Phát triển Kinh tế Nông thôn (CRED) đã đồng hành cùng huyện Bắc Hà và người dân xây dựng nhiều sản phẩm du lịch với các hoạt động trải nghiệm phong phú như thăm các trang trại trồng dâu, chè và dược liệu; “săn” mây tại các thung lũng; tìm hiểu nghề truyền thống; trekking các bản làng kết hợp với du lịch cộng đồng...
Bà Thái Thị Huyền Nga, phụ trách Dự án Nâng cao kinh tế và vị thế phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua phát triển du lịch cộng đồng tại Bắc Hà cho biết, từ năm 2019-2022, Dự án đã hỗ trợ địa phương thành lập 6 tổ hợp tác du lịch với 21 tổ nhóm ngành nghề; 800 lượt người dân địa phương được nâng cao năng lực qua 35 khóa đào tạo kỹ năng về du lịch cộng đồng; 540 người được giới thiệu và tư vấn vay vốn; thành lập 45 mô hình sản xuất nông nghiệp và 6 nhóm cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các homestay và các tour du lịch trải nghiệm... “Đặc biệt, Dự án đã hỗ trợ huyện Bắc Hà xây dựng website và 1 bản đồ du lịch số (https://map.bachatourism.com) nhằm đưa thông tin tới du khách. Ước tính, đến nay đã có hơn 100.000 người tiếp cận các ấn phẩm này thông qua các kênh đa phương tiện” - bà Nga chia sẻ.
Sự đồng hành của Trung tâm CRED đã cung cấp chiếc “cần câu” để người dân có thể tự phát triển nguồn sinh kế một cách ổn định, qua đó góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách đến vùng “cao nguyên trắng” đầy hấp dẫn này.