Cập nhật: Thứ ba 15/03/2022 - 07:01
Người dân mua xăng tích trữ trong can nhựa tại Cửa hàng xăng dầu số 52, xã Điềm Thụy (Phú Bình).
Người dân mua xăng tích trữ trong can nhựa tại Cửa hàng xăng dầu số 52, xã Điềm Thụy (Phú Bình).

Do chịu ảnh hưởng của mặt bằng giá nhiên liệu thế giới, giá xăng, dầu trong nước thời gian qua đã liên tục được điều chỉnh tăng và hiện đang ở mức cao nhất từ trước tới nay. Lo ngại mặt hàng này tiếp tục tăng giá, nhiều người đã chủ động mua xăng, dầu về tích trữ trong thùng phuy hoặc can nhựa để sử dụng dần. Xét trên khía cạnh kinh tế, việc làm này có thể giúp người dân tiết kiệm được một khoản tiền không lớn nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ bất cứ lúc nào.

Trước đợt tăng giá kỷ lục của mặt hàng xăng, dầu vào ngày 11-3 vừa qua, chị Lê Thị Tuyến, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) đã kịp đổ đầy bình xăng xe máy và mua tích trữ 20 lít xăng để trong nhà. “Với mức chênh lệch tới gần 3.000 đồng/lít, tính ra tôi tiết kiệm được khoảng 70 nghìn đồng. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và kinh tế gia đình còn khó khăn nên với tôi, tiết kiệm được đồng nào tốt đồng đó” - chị Tuyến chia sẻ.

Khác với chị Tuyến, anh Dương Văn Hiệp, ở xóm Hanh, xã Thượng Đình (Phú Bình) lại thường xuyên tích trữ xăng, dầu. Nguyên nhân là do gia đình anh có 3 chiếc xe máy nhưng lại ở cách cửa hàng xăng dầu khá xa nên không phải lúc nào cũng có thể tiện mua. Anh Hiệp bày tỏ: Nhà tôi có xưởng may, thường xuyên phải sử dụng xe máy để chở hàng hóa, nguyên vật liệu. Nhiều khi đang vội chở hàng mà lại phải chạy ngược đường đi đổ xăng thì sẽ mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, tôi thường tích trữ xăng để tránh bị động trong trường hợp cần thiết. Tất nhiên, trước mỗi đợt xăng tăng giá, tôi sẽ mua tích trữ nhiều hơn để tiết kiệm tiền.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy có không ít người đã mua tích trữ xăng, dầu trong nhà để phục nhu cầu sinh hoạt hoặc sản xuất. Đặc biệt, trước mỗi đợt tăng giá xăng thì hiện tượng này có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là việc làm lợi bất cập hại. Lý do bởi xăng, dầu là loại chất rất dễ cháy. Việc người dân tích trữ xăng dầu vào can hoặc chai nhựa, với điều kiện bảo quản sơ sài và đong rót thủ công tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến cháy, nổ.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, cơ bản các loại chai, bình, can mà người dân sử dụng để chứa xăng, dầu tích trữ đều không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy theo quy định. Nếu để xăng, dầu rò rỉ trong nhà, nhất là những nơi ở gần bếp, thiết bị điện sẽ có nguy cơ cháy rất cao, khó kiểm soát. Chưa kể, đám cháy do xăng, dầu cũng gây ra nhiều khói, chất độc nên có thể dẫn đến gây nguy cơ ngạt thở, gây nguy hiểm cho những người trong gia đình.

Về vấn đề này, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh khuyến cáo: Người dân không nên dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy trong nhà ở, trường hợp cần thiết thì chỉ dự trữ với số lượng tối thiểu và chứa trong các bình kín làm bằng vật liệu chống cháy. Ngoài ra, các phương tiện, dụng cụ có xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa khu vực đun nấu, nguồn sinh lửa, sinh nhiệt; thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu... phải đảm bảo kín.

Có thể thấy, việc tiết kiệm được một số khoản tiền chênh lệch khi mua tích trữ xăng dầu trong nhà là không lớn, trong khi các gia đình phải đối diện với nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cũng cần phải nhấn mạnh thêm rằng, trong trường hợp tích trữ xăng, dầu không đảm bảo các điều kiện an toàn và gây ra cháy nổ, thiệt hại đến người và tài sản thì ngoài bị xử phạt hành chính, người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại cho người bị hại.

Việt Dũng - Hồng Tâm