Cập nhật: Thứ năm 17/03/2022 - 07:39
Đến nay, HTX chè Khe Cốc (xã Tức Tranh) có 3 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh.
Đến nay, HTX chè Khe Cốc (xã Tức Tranh) có 3 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh.

Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, nhất là ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 đã và đang tạo ra nhiều thách thức đối với mọi lĩnh vực của đời sống, để hạn chế thấp nhất mức độ ảnh hưởng, thậm chí biến thách thức thành cơ hội, một số hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Lương đã đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ. Từ đó, giúp nâng cao giá trị nông sản và sức cạnh tranh trên thị trường.

Ra đời vào giữa năm 2021, đúng vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh trong nước và một số địa phương trong tỉnh, để vượt qua những khó khăn, ổn định sản xuất, HTX truyền thống bánh chưng Bờ Đậu (xóm 9, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương) đã chủ động liên kết với một số doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác khác trong việc cung ứng nguồn nguyên liệu.

Bà Nguyễn Bích Liên, Giám đốc HTX, chia sẻ: Để có được sản phẩm bánh chưng vừa đảm chất lượng, vừa có giá cả hợp lý, tăng sức cạnh tranh, chúng tôi đã liên kết với HTX Nông sản Phú Lương (xã Ôn Lương), Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp (xã Phủ Lý) để được cung ứng sản phẩm gạo nếp Vải; liên kết với Công ty TNHH Hương Nguyên Thịnh để cung ứng thịt lợn an toàn… Với việc đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn từ nguồn nguyên liệu đầu vào, năm 2021, bánh chưng của HTX không chỉ được nhiều người tiêu dùng đón nhận, mà còn được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là vinh dự, niềm vui lớn để HTX tiếp tục nỗ lực, đẩy mạnh sản xuất, định hướng đưa sản phẩm vào các siêu thị trong thời gian tới.

Còn với HTX chè an toàn Khe Cốc, xóm Tân Thái, xã Tức Tranh, không chỉ liên kết thành viên và các hộ trồng chè tại địa phương cũng như xây dựng thành công vùng nguyên liệu chè sản xuất theo hướng hữu cơ lớn nhất tỉnh (40ha), HTX còn đẩy mạnh liên kết với các hộ sản xuất tại Làng nghề chế biến kẹo lạc truyền thống tại xã Hoàng Long (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) để tạo ra sản phẩm kẹo trà xanh. Ngoài ra, HTX cũng liên kết với Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội để giới thiệu các sản phẩm trà đinh, tâm trà, trà tôm nõn, trà móc câu, túi trà lọc... đến nhiều đối tượng khách hàng.

Sản phẩm gạo nếp Vải của HTX nông sản nếp Vải Ôn Lương được bày bán tại một gian hàng Tết Xuân Nhâm Dần.

Qua đó, tính từ năm 2019 đến nay, HTX đã có 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh và ký được hợp đồng tiêu thụ chè với một đối tác lớn tại Ba Lan, với giá bán cao hơn nhiều so với tiêu thụ trong nước. Hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX được nâng cao qua từng năm, sản phẩm chè an toàn Khe Cốc từng bước khẳng định được thương hiệu, đứng vững trên thị trường.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, cùng với sự chủ động của các HTX trong việc tích cực liên doanh, liên kết với các HTX, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, cung cấp các dịch vụ đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân, huyện Phú Lương cũng giành sự quan tâm, triển khai hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế tập thể. Đặc biệt là khuyến khích, tạo điều kiện để các HTX kiểu mới thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Nhờ đó, cuối năm 2020, trên địa bàn huyện đã thành lập Liên hiệp HTX Nông sản Thái Nguyên với vốn điều lệ 10 tỷ đồng, gồm 4 HTX. Đến nay, Liên hiệp HTX đã có 10 HTX thành viên và 20 HTX liên kết ở nhiều địa phương trong tỉnh, với 39 ngành nghề kinh doanh, đa dạng các sản phẩm như: Măng khô, gạo, tinh bột nghệ, chè khô, matcha (trà xanh), tinh bột cần tây…

Bà Đoàn Thanh Hằng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Liên hiệp HTX Nông sản Thái Nguyên, cho biết: Năm 2021, Liên hiệp đã cung cấp 1.600 gói hạt giống, 524 tấn phân bón hữu cơ và 980 chai, gói thuốc bảo vệ thực vật; tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm trên 300 tấn ớt... cho các thành viên. Liên hiệp đã hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác và công ty thành viên tận dụng tối đa lợi thế vùng nguyên liệu, máy móc thiết bị nhà xưởng sẵn có của các đơn vị thành viên nhằm tăng thêm thu nhập cho người nông dân. Bình quân thu nhập của người lao động trong Liên hiệp hiện đạt 5 triệu đồng/người/tháng.

Từ thực tế có thể thấy rằng, chính sự liên kết hợp tác đã góp phần tạo cơ hội phát triển cho mỗi HTX khi tham gia thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ, giải quyết những khó khăn ban đầu về nguyên liệu và đầu ra cho nông sản.

Theo thống kê, nếu như năm 2001, Phú Lương chỉ có 2 HTX với 80 thành viên, mức đóng góp bình quân khoảng 2 triệu đồng/thành viên thì đến nay, toàn huyện đã có 73 HTX (trong đó có 52 HTX nông nghiệp) với 800 thành viên và 400 lao động, mức đóng góp bình quân là 170 triệu đồng/thành viên; 100% HTX đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Từ năm 2019 đến nay, toàn huyện có 10 sản phẩm OCOP của 7 HTX đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao cấp tỉnh.

Để phát triển HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị, theo đại diện lãnh đạo huyện Phú Lương: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn một số HTX có quy mô phù hợp để hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết chuỗi với doanh nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao; tập trung nguồn lực hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX điểm. Đồng thời vận động, khuyến khích các HTX, hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP, ưu tiên các sản phẩm mới, sản phẩm chế biến, chế biến sâu, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế, tiềm năng của địa phương…

 

Ngọc Ánh