Cập nhật: Chủ nhật 20/03/2022 - 09:37
Giai đoạn 2017-2021, Tổng cục Môi trường đã thanh, kiểm tra 1.376 cơ sở và khu công nghiệp về chấp hành quy định bảo vệ môi trường.
Giai đoạn 2017-2021, Tổng cục Môi trường đã thanh, kiểm tra 1.376 cơ sở và khu công nghiệp về chấp hành quy định bảo vệ môi trường.

Giai đoạn 2017-2021, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã thanh, kiểm tra 1.376 cơ sở và khu công nghiệp; xử lý vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 493 cơ sở với tổng số tiền 108,439 tỷ đồng.

Cử tri nhiều tỉnh quan tâm và phản ánh về vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay, nhất là ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí. Thực tế cho thấy, tình trạng quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp chưa gắn liền với vấn đề xử lý chất thải, xử lý nước thải,...

Cử tri kiến nghị Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, tăng các mức xử phạt để tạo tính răn đe đối với các hành vi vi phạm quy định bảo vệ môi trường, nhất là môi trường trong các nhà máy, khu công nghiệp.

Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như sau:

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng loạt các biện pháp để giảm thiểu, khắc phục ô nhiễm môi trường từ việc hoàn thiện chính sách pháp luật, thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động giám sát trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; thay đổi mạnh mẽ về phương thức quản lý, chuyển từ bị động sang chủ động phòng ngừa, tiếp cận mô hình phát triển ít ảnh hưởng đến môi trường, hài hòa giữa vấn đề môi trường với vấn đề kinh tế - xã hội.

Trong giai đoạn 2017-2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường triển khai thanh tra, kiểm tra đối với 1.376 cơ sở và khu công nghiệp; tiến hành xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi vi phạm với tổng số cơ sở bị xử phạt là 493 cơ sở; tổng số tiền phạt là 108,439 tỷ đồng.

Việc tập trung thanh tra, kiểm tra có trọng điểm và xử phạt nghiêm các đối tượng vi phạm với mức phạt mang tính răn đe đã tạo dư luận buộc các cơ sở đang hoạt động sản xuất, kinh doanh phải quan tâm, đầu tư cho môi trường.

Kết quả kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra trong giai đoạn 2017-2021 cho thấy, có khoảng 80% các cơ sở vi phạm đã khắc phục triệt để các vi phạm theo kết luận thanh tra.

Đồng thời, để hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong các năm 2020, năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Đến nay, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường đã bảo đảm tính đồng bộ, quy định chặt chẽ về quản lý chất thải, trong đó, bao gồm các quy định cụ thể về quản lý nước thải, chất thải rắn, quản lý chất lượng môi trường không khí; đã quy định cụ thể các nội dung về bảo vệ môi trường khu đô thị, khu dân cư, quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất và chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường.

Để tăng cường chế tài xử phạt vi phạm hành chính và đồng bộ với các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường tại Tờ trình số 05/TTr-BTNMT ngày 11/2/2022, theo đó, đã sửa đổi, bổ sung các hành vi vi phạm và các chế tài xử phạt bảo đảm tính răn đe, phù hợp với yêu cầu về bảo vệ môi trường hiện nay.

Đối với các hành vi cố tình vi phạm, gây hậu quả xấu tới môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất tăng mức phạt lên mức tối đa (2 tỷ đồng đối với vi phạm của tổ chức) đối với hành vi cố tình xả trộm, xả lén, cố tình lắp đặt các thiết bị, đường ống xả hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường hoặc không xây lắp công trình bảo vệ môi trường; đồng thời các biện pháp xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép môi trường, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp đối với nhóm hành vi này. Nghị định này dự kiến sẽ được Chính phủ xem xét, ban hành trong quý I/2022.


Theo baotainguyenmoitruong.vn