Cập nhật: Thứ hai 21/03/2022 - 07:21
Cán bộ Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật kiểm tra khu vực sản xuất của HTX chè trung du Tân Cương Thái Nguyên, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên)
Cán bộ Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật kiểm tra khu vực sản xuất của HTX chè trung du Tân Cương Thái Nguyên, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên)

Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Đây cũng là điều kiện bắt buộc để nông sản Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung có thể xuất khẩu theo đường chính ngạch. Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chủ động hướng dẫn bà con xây dựng mã số vùng trồng, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, hướng tới xuất khẩu.

Là một trong những hợp tác xã (HTX) tham gia xây dựng mã số vùng trồng đầu tiên của tỉnh, anh Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc HTX chè trung du Tân Cương Thái Nguyên, ở xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên), chia sẻ: Với diện tích sản xuất 20ha, HTX hiện có 15 dòng sản phẩm, có giá bán từ 320 nghìn đồng đến 3,8 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, lâu nay, sản phẩm của HTX chủ yếu tiêu thụ trong nước hoặc bán ra nước ngoài theo kiểu " hàng xách tay". Đợt này, tham gia xây dựng mã số vùng trồng, chúng tôi đăng ký với diện tích 5ha. Khi mới triển khai, dù gặp một số khó khăn nhất định nhưng chúng tôi quyết tâm đáp ứng đủ các tiêu chí trong sản xuất để được cấp mã số vùng trồng, hướng tới xuất khẩu sản phẩm chè của HTX để nâng cao đời sống, thu nhập của các thành viên. Trong quá trình canh tác, bà con phải thực hiện ghi chép tỉ mỉ các công đoạn: Bón phân, phun thuốc, thu hái… Ngoài ra, các hộ chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ trong danh mục cho phép, tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ và đảm bảo đủ thời gian cách ly trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Tương tự, HTX chè Quang Minh, xã Phú Cường (Đại Từ) hiện cũng đang triển khai xây dựng mã số vùng trồng. Anh Nguyễn Quang Minh, Giám đốc HTX, cho biết: Trước đây, người dân địa phương chủ yếu chăm sóc cây chè dựa trên kinh nghiệm nên việc bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan. Từ khi đăng ký tham gia xây dựng mã số vùng trồng, chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt những hướng dẫn, quy định từ cơ quan chuyên môn. Bà con đã thay thế thuốc trừ sâu hóa học bằng thuốc sinh học, sử dụng phân hữu cơ thay thế phân vô cơ nên môi trường đã được cải thiện rất nhiều. Ngoài ra, việc bón phân hữu cơ cũng giúp cây chè sinh trưởng, phát triển thuận lợi, lá dầy, ít sâu bệnh.

Khi xây dựng mã số vùng trồng, các công đoạn như: Chăm sóc, thu hái, sao chè… đều được thành viên HTX chè Quang Minh, xã Phú Cường (Đại Từ) tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật và được ghi vào sổ nông hộ.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, thời gian qua, song hành cùng với bà con nông dân, ngành chức năng và các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã tích cực vào cuộc xây dựng mã số vùng trồng. Đại diện Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở bà con ghi chép đầy đủ vào sổ nông hộ; thành lập nhóm Zalo để đôn đốc việc thực hiện. Đồng thời, thường xuyên cập nhật hệ thống dữ liệu cơ sở sản xuất lên phần mềm, tiến hành kiểm tra mẫu nước, mẫu đất theo quy định.

Đối với nhà cung ứng vật tư, các đơn vị này cũng đã phối hợp tổ chức lớp tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Anh Nguyễn Đăng Thực, Giám đốc Công ty CP công nghệ cao Biotech (Hà Nội), cho hay: Đối với các hộ dân trồng chè, chúng tôi cung cấp dòng phân bón lá hữu cơ sinh học, đáp ứng tiêu chí trong danh mục, được Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẵn sàng đến tận nương chè của bà con để theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất.

Khẳng định tầm quan trọng của việc cấp mã số vùng trồng, ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), nói: Đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao giá trị, chất lượng, thương hiệu sản phẩm cây trồng. Đồng thời, phục vụ tốt cho công tác nội tiêu và xuất khẩu đối với nhóm cây trồng chủ lực của Thái Nguyên. Qua đó, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản xuất khẩu, thúc đẩy liên kết, hình thành các chuỗi giá trị bền vững. Từ năm 2021 đến nay, hoạt động hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng đã được Chi cục chú trọng triển khai. Dự kiến, đến quý II năm nay, toàn tỉnh sẽ có 17 vùng sản xuất với sự tham gia của 238 hộ, ở 16 HTX và 1 công ty được cấp mã số vùng trồng, với tổng diện tích hơn 108ha.

Từ thực tế triển khai có thể thấy, khi được cấp mã số vùng trồng sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, thúc đẩy liên kết, hình thành các chuỗi giá trị bền vững hướng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, việc triển khai mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh cũng gặp một số khó khăn nhất định, như: Đa phần bà con sản xuất manh mún, nhỏ lẻ với quy mô nông hộ, trong khi yêu cầu vùng sản xuất phải có diện tích từ 2ha trở lên. Bên cạnh đó, một số hộ dân chưa ghi chép đầy đủ sổ theo dõi quá trình chăm sóc, thu hái. Do đó, thời gian tới, ngành chức năng đã xây dựng kế hoạch tiếp tục quan tâm khuyến khích, hỗ trợ người dân tăng cường liên kết trong sản xuất và đẩy mạnh công tác thông tin, tập huấn, giúp bà con tháo gỡ kịp thời các vướng mắc để sớm xây dựng được mã số vùng trồng.

Lương Hạnh