Cập nhật: Thứ bẩy 26/03/2022 - 11:48
Sân golf Thanh Lanh - một trong những điểm đến hấp dẫn dành cho khách du lịch MICE tại Vĩnh Phúc. Giàu tiềm năng
Sân golf Thanh Lanh - một trong những điểm đến hấp dẫn dành cho khách du lịch MICE tại Vĩnh Phúc. Giàu tiềm năng

Nằm giáp Thủ đô Hà Nội, lại có hệ thống giao thông kết nối với các địa phương thuận lợi cùng hệ thống cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa và cơ sở hạ tầng du lịch hiện đại, Vĩnh Phúc được đánh giá là “vùng đất vàng” cho phát triển du lịch. Bên cạnh tiềm năng về du lịch văn hóa, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, Vĩnh Phúc còn hội tụ điều kiện để trở thành một trong những trung tâm du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, sự kiện) ở khu vực phía Bắc.

Với địa thế chuyển tiếp từ miền núi, trung du phía Bắc xuống Đồng bằng sông Hồng, Vĩnh Phúc hội tụ sự đa dạng về cảnh quan, địa hình của 3 vùng: Miền núi, trung du và đồng bằng; vì vậy, nơi đây sở hữu điều kiện thiên nhiên và tài nguyên sinh thái vô cùng đa dạng. Nhắc đến Vĩnh Phúc, người ta nghĩ ngay đến dãy Tam Đảo điệp trùng, nơi có Khu du lịch quốc gia Tam Đảo - “Đà Lạt của miền Bắc”, hay Vườn quốc gia Tam Đảo - điểm du lịch sinh thái, nghiên cứu hấp dẫn. Vĩnh Phúc được dòng sông Lô ôm trọn cùng nhiều hồ, đầm tạo nên cảnh trí hữu tình như đầm Vạc, đầm Dưng, hồ Đại Lải, hồ Thanh Lanh, hồ Xạ Hương...

Vĩnh Phúc là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử với nhiều di sản văn hóa đặc sắc. Trên địa bàn tỉnh có 1.303 di tích, gồm 3 di tích quốc gia đặc biệt là Khu di tích danh thắng Tây Thiên, Di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Bình Sơn và đình Thổ Tang. Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc còn nổi tiếng với các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, Lễ hội kéo song thị trấn Hương Canh, Lễ hội đền Ngự Dội...

Bên cạnh “mỏ vàng” về văn hóa - lịch sử, sinh thái, Vĩnh Phúc còn sở hữu tiềm năng du lịch MICE nổi trội nhờ cơ sở hạ tầng du lịch, mạng lưới giao thông hiện đại. Trên địa bàn tỉnh có 410 cơ sở lưu trú với hệ thống khách sạn từ 1 - 5 sao cùng các khu nghỉ dưỡng cao cấp như Flamingo Đại Lải resort (được tạp chí điện tử designboom.com đánh giá là một trong 10 resort đẹp nhất thế giới năm 2014), FLC Vinh Phuc resort, Sông Hồng Thủ đô resort cùng các sân golf đẳng cấp quốc tế như Tam Đảo, Flamingo Đại Lải, Đầm Vạc, Thanh Lanh...

Với lợi thế này, Vĩnh Phúc xác định đầu tư phát triển mạnh loại hình du lịch MICE, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch thể thao golf nhằm thu hút đối tượng khách có mức thu nhập và chi tiêu cao. Những năm gần đây, các loại hình du lịch này đã mang lại nguồn thu lớn và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hiến kế để phát triển

Tuy sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia du lịch, “vùng đất vàng” này vẫn chưa được khai thác mạnh mẽ để tạo thương hiệu cho Vĩnh Phúc. Thẳng thắn nhìn nhận về hạn chế khiến du lịch MICE phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc Trần Thị Minh Lợi chỉ ra nguyên nhân chủ yếu là việc phát triển loại hình này còn mang tính tự phát; chưa có các cơ quan đầu mối, nhà tổ chức và các công ty chuyên cung cấp dịch vụ hội nghị, hội thảo để phát triển du lịch MICE một cách bền vững. Bên cạnh đó là các hạn chế về chất lượng cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, trung tâm hội chợ triển lãm, nguồn nhân lực...

Hiến kế cho Vĩnh Phúc, Giám đốc Công ty SunVina Travel Tạ Hữu Chiến cho rằng, tỉnh Vĩnh Phúc cần kịp thời nắm bắt xu hướng bảo vệ và phục hồi sức khỏe hậu Covid-19 để xây dựng các sản phẩm đặc thù; kết hợp loại hình du lịch hội nghị, hội thảo với du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là tại các khu, điểm du lịch có lợi thế về thiên nhiên.

Còn bà Đỗ Thu Phương, Giám đốc kinh doanh Flamingo Group cho biết, trong năm 2022, tập đoàn này định hướng tập trung phát triển du lịch MICE tại Vĩnh Phúc với 90% thị trường là khách nội địa thông qua các gói sản phẩm kết hợp dịch vụ chăm sóc sức khỏe với loại hình du lịch tâm linh và thể thao. Flamingo Group sẽ xây dựng chiến lược marketing và hệ thống sản phẩm để thu hút khách quốc tế.

Để Vĩnh Phúc phát huy tiềm năng du lịch MICE, theo ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch MICE Việt Nam, tỉnh cần tạo được ấn tượng với du khách ngay từ đầu với chiến dịch “Wow!” khiến du khách phải bất ngờ bằng cách áp dụng công nghệ số để tăng cường truyền thông về các điểm đến, sản phẩm đặc sắc của tỉnh.

Hướng đến hiệu quả thực tế, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng cam kết đồng hành với du lịch Vĩnh Phúc thông qua việc vận động các đơn vị thành viên liên kết xây dựng nhiều tour, tuyến, sản phẩm hấp dẫn để đưa khách du lịch MICE đến với tỉnh. Cũng theo ông Hùng, ngành Du lịch Vĩnh Phúc cần phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, câu lạc bộ nhằm tận dụng cơ hội “vàng” vào thời điểm du lịch Việt Nam mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Có như vậy, Vĩnh Phúc mới trở thành một trong những trung tâm du lịch MICE ở khu vực phía Bắc.


Theo HNMO