Cập nhật: Thứ tư 30/03/2022 - 08:57
Đàm phán Nga-Ukraine diễn ra tại Văn phòng Tổng thống ở Cung điện Dolmabahce, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 29-3. Ảnh: Getty Images.
Đàm phán Nga-Ukraine diễn ra tại Văn phòng Tổng thống ở Cung điện Dolmabahce, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 29-3. Ảnh: Getty Images.

Ngày 29-3, đàm phán trực tiếp giữa phái đoàn Nga và phái đoàn Ukraine đã được nối lại tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ lúc 11 giờ 30 phút và kết thúc lúc 14 giờ 10 phút (theo giờ địa phương). Cuộc đàm phán được đánh giá mang tính xây dựng, thắp lên hy vọng về một hiệp ước hòa bình. Nga đã giảm mạnh các hoạt động quân sự xung quanh Kiev.

RIA Novosti dẫn tuyên bố của Trưởng phái đoàn Nga Vladimir Medinsky cho biết các cuộc đàm phán lần này được đánh giá mang tính xây dựng, Moscow và Kiev đang thực hiện các bước nhằm giảm leo thang xung đột. Hai bên đã đồng ý chuẩn bị một hiệp ước để các nhà đàm phán thông qua.

Tiếp đó, hiệp ước này phải được các bộ trưởng ngoại giao tán thành trước khi nguyên thủ hai nước có thể gặp gỡ để ký kết. Theo ông Medinsky, các đề xuất an ninh của Ukraine sẽ không áp dụng cho Crimea và Donbass.

Về phía Ukraine, Reuters dẫn nguồn tin từ phái đoàn nước này cho biết Kiev đã đề xuất áp dụng quy chế trung lập để đổi lấy bảo đảm an ninh. Đề xuất trên đồng nghĩa với việc Kiev sẽ không tham gia các liên minh quân sự hay cho phép đặt các căn cứ quân sự tại nước này.

Các đề xuất cũng sẽ bao gồm thời gian tham vấn giữa hai bên trong 15 năm về tình trạng của bán đảo Crimea. Các đề xuất này sẽ chỉ có hiệu lực khi Nga và Ukraine đạt được lệnh ngừng bắn hoàn toàn.

Ngay sau khi đàm phán kết thúc, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin, thành viên phái đoàn Nga cho biết Moscow đã quyết định giảm mạnh hoạt động quân sự ở các hướng Kiev và Chernihiv: “Do các cuộc đàm phán trong việc chuẩn bị một thỏa thuận về quy chế trung lập và phi hạt nhân hóa của Ukraine, cũng như về việc cung cấp các bảo đảm an ninh cho Ukraine, đang đi vào thực tế..., đồng thời nhằm tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và tạo điều kiện cần thiết cho các cuộc đàm phán tiếp theo đạt được mục tiêu cuối cùng là ký kết thỏa thuận nói trên, Bộ Quốc phòng Nga đã đưa ra quyết định giảm triệt để các hoạt động quân sự trên hướng Kiev và Chernihiv”, ông Fomin tuyên bố.

Đây có lẽ là kết quả tích cực nhất trong các cuộc hòa đàm mà dư luận thế giới mong đợi bấy lâu, bởi nó giúp giảm nhiệt căng thẳng chiến sự giữa hai bên và xa hơn nữa, mở ra hy vọng về một giải pháp hòa bình kết thúc cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Trước đó, Interfax dẫn lời một nguồn tin thân cận cho biết Trưởng phái đoàn Nga Vladimir Medinsky và người dẫn đầu phái đoàn Ukraine David Arahamia đã có cuộc đàm phán song phương trước khi diễn ra các cuộc đàm phán dưới dạng mở rộng. "Các bên đã bắt đầu đàm phán ở cấp trưởng phái đoàn. Đặc biệt, vấn đề điều khoản về quy chế trung lập có thể có của Ukraine đã được nêu ra", nguồn tin cho hay.

Một đoạn video do kênh truyền hình Rossiya 24 phát sóng cho thấy tỷ phú Nga Roman Abramovich đã có mặt tại cuộc đàm phán.

“Để thực hiện các cuộc tiếp xúc song phương, cần phải được sự chấp thuận của cả hai bên và trường hợp của ông Abramovich đã nhận được sự chấp thuận của cả hai bên. Ông Abramovich tham gia việc bảo đảm một số cuộc tiếp xúc nhất định giữa phía Nga và Ukraine và ông ấy không phải là thành viên chính thức của phái đoàn", Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov khẳng định.

Trước đó, trong một bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết những tiến bộ đạt được trong cuộc đàm phán lần này có thể mở đường cho một cuộc gặp giữa lãnh đạo Nga và Ukraine.

Theo đó, đã đến lúc các cuộc đàm phán đưa ra những kết quả cụ thể. Ông Erdogan kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và cho rằng "việc ngăn chặn thảm kịch này" là tùy thuộc vào cả hai bên. Ông khẳng định cả Tổng thống Ukraine và Tổng thống Nga đều là “những người bạn đáng quý” và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể là địa điểm tổ chức cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.

Các tín hiệu tích cực của cuộc đàm phán đã giúp hạ nhiệt căng thẳng giữa các bên, đặc biệt là khi trước đó cùng ngày, Interfax dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố Nga sẽ đưa ra phản ứng thích đáng nếu một số quốc gia trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục lên kế hoạch cung cấp máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không cho Ukraine.

"Chúng tôi đang theo dõi các tuyên bố của lãnh đạo một số quốc gia NATO về ý định cung cấp máy bay và hệ thống phòng không cho Ukraine. Nếu họ thực hiện, chúng tôi sẽ có phản ứng thích hợp... Việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine là vô trách nhiệm và việc trang bị vũ khí không kiểm soát được có thể tạo ra mối đe dọa cho chính các quốc gia châu Âu", ông Shoigu cho biết.

Trước đó một ngày, Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby thông báo Mỹ sẽ điều 6 máy bay do thám cùng 240 thành viên của Hải quân Mỹ tới căn cứ Spangdahlem ở Đức nhằm tăng cường “khả năng răn đe và phòng vệ của NATO ở sườn phía Đông".

Cùng ngày, trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ PBS, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cũng nêu rõ, Nga không có kế hoạch tấn công các quốc gia thành viên NATO trừ khi Nga bị buộc phải làm như vậy.

"Chúng tôi không nghĩ về điều đó, trừ khi đó là một hành động có đi có lại, nếu họ đẩy chúng tôi vào tình thế bắt buộc". Theo ông, việc Mỹ và phương Tây xây dựng các lực lượng của NATO gần biên giới với Nga, đe dọa an ninh Nga, cũng như việc Ukraine có thể gia nhập NATO bất chấp cảnh báo của Nga mới là điều đáng lo ngại.

Như vậy, hơn một tháng kể từ khi Nga triển khai hoạt động quân sự đặc biệt tại Ukraine, các nỗ lực ngoại giao của các bên liên quan đến nay đã mở ra hy vọng về một giải pháp hòa bình nhằm kết thúc cuộc xung đột Nga-Ukraine.  


Theo QĐND