Cập nhật: Thứ sáu 01/04/2022 - 17:10
Học sinh lên xe buýt của nhà trường tại bang Virginia, Mỹ, tháng 1/2022. (Ảnh: Reuters)
Học sinh lên xe buýt của nhà trường tại bang Virginia, Mỹ, tháng 1/2022. (Ảnh: Reuters)

Hơn 1/3 số học sinh trung học được khảo sát tại Mỹ đã trải qua trạng thái thần kinh bị căng thẳng, lo âu hoặc trầm cảm trong thời gian xảy ra đại dịch.

Các nhà nghiên cứu của Mỹ ngày 31/3 cho biết, hơn 1/3 số học sinh trung học được khảo sát đã trải qua trạng thái thần kinh bị căng thẳng, lo âu hoặc trầm cảm; gần 1/5 số học sinh tham gia cuộc khảo sát cho biết các em đã thật sự nghĩ đến cái chết trong thời gian đại dịch hoành hành. 

Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), kết quả cuộc khảo sát cho thấy 44% học sinh đã trải qua cảm giác buồn bã hoặc tuyệt vọng mỗi ngày trong 2 tuần liên tiếp hoặc nhiều hơn thế trong năm trước.

"Những phát hiện mà chúng tôi trình bày hôm nay nêu bật các vấn đề phức tạp, tuy nhiên, trẻ em, phụ huynh và nhà trường không thể một mình giải quyết chúng", ông Jonathan Mermin, quan chức của CDC phát biểu trong một cuộc họp báo. 

Cuộc khảo sát được tiến hành theo hình thức trực tuyến từ tháng 1 đến 6/2021 nhận được sự tham gia của hơn 7.700 học sinh từ lớp 9 đến 12 trên toàn quốc. Trong cuộc khảo sát này, các nhà nghiên cứu đặt ra cho học sinh trung học câu hỏi về tần suất các em phải đối mặt với tình trạng sức khỏe không tốt.

Trong thời gian trường học phải đóng cửa do dịch bệnh, thanh thiếu niên đã phải đối mặt với nhiều loại căng thẳng, bao gồm cả sự lạm dụng từ cha mẹ và sự cô lập.

Để giải quyết những vấn đề về sức khỏe tinh thần, các nhà khoa học khuyến nghị cải thiện sự kết nối giữa học sinh với các học sinh khác cũng như với nhân viên nhà trường; đồng thời lưu ý các khu học chính nên xem xét triển khai chương trình có quy mô toàn trường như chương trình về giáo dục cảm xúc và xã hội.

Trong bối cảnh số người mắc Covid-19 đang phải cách ly tại Đức vượt mốc 4 triệu, Bộ Y tế nước này đề xuất chấm dứt quy địch bắt buộc cách ly đối với phần lớn người mắc Covid-19.

Theo quy định hiện nay, người mắc Covid-19 phải cách ly ít nhất 7 ngày. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach muốn thay đổi quy định này. Theo đó, ông đề xuất cho người mắc Covid-19 tự giác cách ly trong 5 ngày và khuyến nghị làm xét nghiệm Covid-19 vào cuối thời gian cách ly. 

Theo kế hoạch do Bộ Y tế và Viện Robert Koch soạn thảo, các nhân viên y tế vẫn sẽ phải cách ly trong 5 ngày và phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính để kết thúc thời gian cách ly. 

Số ca mắc Covid-19 tính theo ngày tại Đức tiếp tục giảm trong những ngày gần đây. Ngày 31/3, nước này ghi nhận 274.901 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc kể từ khi đại dịch bùng phát lên 21,1 triệu trường hợp. Trong đó, gần 130.000 người đã tử vong liên quan Covid-19.

Nền kinh tế của Anh đã tăng trưởng nhanh hơn so dự đoán được đưa ra trong năm 2021. Tuy nhiên, đà tăng này phần lớn do các hoạt động liên quan Covid-19 trong lĩnh vực y tế. Theo số liệu chính thức được công bố ngày 31/3, GDP của nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới đã tăng 1,3% trong quý IV/2021. Con số này cao hơn so mức dự báo tăng trưởng 1% mà Cơ quan Thống kê quốc gia đưa ra trước đó.

GDP của Anh tăng 0,9% trong quý III/2021, nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so mức tăng 5,6% ghi nhận trong khoảng thời gian từ tháng 4-6/2021, khi nền kinh tế dần phục hồi sau thời gian phong tỏa để phòng, chống sự lây lan của Covid-19.

Nhân viên y tế Ấn Độ kiểm tra thân nhiệt và nhịp tim của hành khách tại ga tàu ở Mumbai, tháng 4/2021. (Ảnh: Reuters)

Người dân tại Maharashtra, bang giàu nhất Ấn Độ, sẽ được lựa chọn đeo khẩu trang hoặc không đeo kể từ ngày 2/4. Chính quyền bang này đã đưa ra quyết định nêu trên sau khi số ca mắc mới và tử vong liên quan Covid-19 giảm mạnh trong những ngày gần đây. 

Trước đó, đeo khẩu trang nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 là quy định bắt buộc được áp dụng tại tất cả địa điểm công cộng của bang Maharashtra.

"Đeo khẩu trang sẽ không còn là quy định bắt buộc, nhưng người dân có thể đeo nó nếu họ muốn", người đứng đầu lĩnh vực y tế của bang Maharashtra Rajesh Tope thông báo. 

Ngoài ra, tất cả các biện pháp hạn chế được áp dụng tại các địa điểm như khách sạn, đám cưới, phòng tập thể hình, xe buýt,... và yêu cầu về tiêm chủng để được vào các địa điểm công cộng cũng sẽ được dỡ bỏ từ ngày 2/4.

Đến nay, Ấn Độ đã phân bổ ít nhất 1,84 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19. Theo Reuters, giả sử mỗi người cần tiêm 2 liều vaccine thì nước này đã tiêm cho khoảng 67,3% dân số. 

Pakistan vừa giải tán Trung tâm Chỉ huy và Điều hành quốc gia (NCOC), cơ quan giám sát các nỗ lực ứng phó Covid-19 ở nước này, vì số ca nhiễm đang ở mức thấp nhất kể từ khi Covid-19 bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020.

Trên Twitter, Thủ tướng Pakistan Imran Khan chia sẻ: "Hôm nay, khi NCOC đóng cửa, tôi muốn chúc mừng đội ngũ NCOC và sự lãnh đạo của trung tâm này vì đã ứng phó Covivd-19 một cách chuyên nghiệp và có sự phối hợp trên toàn quốc".

Ngày 16/3, Pakistan đã dỡ bỏ phần lớn biện pháp hạn chế, vốn được ban bố để ngăn chặn Covid-19 lan rộng. Nước này đã đối mặt với 4 lần sóng lây nhiễm trong 2 năm qua. 

Theo cố vấn y tế của Thủ tướng Pakistan, ông Faisal Sultan, quốc gia này đã tiêm ngừa Covid-19 cho 75% dân số đủ điều kiện tiêm chủng từ 12 tuổi trở lên.


Theo TTXVN