Cập nhật: Thứ bẩy 02/04/2022 - 07:54
Các phòng học mới, hiện đại của Trường THCS Thành Công được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện cho việc dạy và học của giáo viên, học sinh.
Các phòng học mới, hiện đại của Trường THCS Thành Công được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện cho việc dạy và học của giáo viên, học sinh.

Thời gian gần đây, trung bình mỗi năm T.X Phổ Yên có thêm khoảng 2.000 học sinh các cấp. Sự gia tăng này dẫn đến tình trạng thiếu hụt phòng học và các phòng chức năng ở một số trường, nhất là đối với cấp học mầm non và tiểu học. Để giải quyết tình trạng quá tải này, thị xã đang tập trung các nguồn lực, mở rộng quy mô trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em trên địa bàn.

Cùng với kinh tế - xã hội, việc phát triển giáo dục luôn được T.X Phổ Yên coi trọng hàng đầu và được thể hiện bằng sự đầu tư cho giáo dục - đào tạo. Thông qua nhiều chương trình, đề án, dự án, thị xã đã dành nguồn kinh phí lớn để đầu tư xây dựng, sửa chữa, mở rộng quy mô trường lớp học trên địa bàn. Hằng năm, các cơ sở giáo dục thực hiện rà soát cơ sở vật chất, căn cứ vào kết quả rà soát, UBND thị xã đánh giá thực trạng, xây dựng kế hoạch bổ sung các hạng mục công trình theo lộ trình.

Giai đoạn 2016-2020, UBND T.X Phổ Yên đã đầu tư xây mới và sửa chữa 893 phòng học, phòng bộ môn và các công trình phụ trợ khác phục vụ học tập. Trong đó, cấp Mầm non xây mới 114 phòng, sửa chữa 87 phòng; cấp Tiểu học xây mới 163 phòng, sửa chữa 146 phòng; cấp THCS xây mới 42 phòng, sửa chữa 71 phòng; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên được bố trí kinh phí sửa chữa 8 phòng.

Ngoài ra, thị xã đã đầu tư các phòng học âm nhạc, tin học, ngoại ngữ, công trình giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, nhà bếp và các công trình phụ trợ khác cho một số trường học. Tổng kinh phí đầu tư xây mới cơ sở vật chất trường lớp trong giai đoạn này là trên 200 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 11 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 17 tỷ đồng, ngân sách thị xã 173 tỷ đồng. Kinh phí đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất là trên 100 tỷ đồng. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Ví dụ như Trường Tiểu học Hồng Tiến 1 nằm ở trung tâm T.X Phổ Yên, là nơi tập trung đông dân cư, nên số trẻ trong độ tuổi theo học đông. Trước đây, Nhà trường luôn phải hoạt động trong tình trạng thiếu thốn phòng học, phải chia 2 ca. Năm 2020, Trường được đầu tư xây mới 8 phòng học và sửa chữa 6 phòng học đã xuống cấp và xây dựng thêm một số công trình phụ trợ, nhờ đó đã giải quyết được tình trạng thiếu phòng học. Hiện nay, Trường không chỉ đủ phòng học cho 5 khối lớp, các phòng chức năng cũng được trang bị riêng, phục vụ tốt việc dạy và học của thầy, trò.

Ngoài Trường Tiểu học Hồng Tiến 1, nhiều trường học khác trên địa bàn T.X Phổ Yên đã được đầu tư xây dựng, như: Trường Mầm non Nam Tiến xây mới 8 phòng, Trường Mầm non Tiên Phong II xây mới 8 phòng, Trường Mầm non Tân Hương xây mới 10 phòng… Nhờ đó, cơ sở vật chất trường học cơ bản đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho giáo dục mầm non, phổ thông.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn có 68 trường học do UBND thị xã quản lý. Trong đó, có 24 trường mầm non với 379 nhóm, lớp, bằng trên 12.000 trẻ; 27 trường tiểu học với 537 lớp, trên 17.500 học sinh; 17 trường THCS với 266 lớp, trên 10.000 học sinh và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên với 10 lớp, bằng trên 400 học sinh.

Điều đáng chú ý là mặc dù tỷ lệ trường học các cấp của thị xã đạt chuẩn Quốc gia đạt 100%, nhưng tỷ lệ kiên cố trường lớp trên địa bàn chỉ đạt 58%. Nguyên nhân là do một số trường đã được công nhân đạt chuẩn Quốc gia từ sớm, nên nhiều công trình trường học đã xuống cấp, chưa được đầu tư nâng cấp. Trong khi đó, với tốc độ gia tăng dân số trên địa bàn như hiện nay, dự báo trong tương lai, tình trạng quá tải sẽ xảy ra nếu như không kịp thời mở rộng quy mô trường lớp, sửa chữa, nâng cấp các công trình lớp học đã xuống cấp. Chính vì vậy, T.X Phổ Yên đã chỉ đạo các địa phương rà soát kế hoạch sử dụng đất xây dựng trường học hằng năm, đảm bảo đúng mục tiêu đến năm 2025, các cơ sở giáo dục đủ diện tích đất sử dụng theo quy định.

Đối với một số bàn tăng quy mô số học sinh, nhưng diện tích đất không đủ, UBND thị xã giao các phòng chuyên môn tham mưu đưa vào quy hoạch sử dụng đất công của địa phương, để từng bước xây dựng lộ trình kế hoạch sử dụng đất, là điều kiện để thực hiện kiên cố hóa trường lớp học. Về kinh phí, ngoài tổng hợp, cân đối các nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh, thị xã dành kinh phí đầu tư xây, sửa trường lớp. Ngoài ra, Phổ Yên khuyến khích các địa phương huy động tối đa mọi nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động từ trong dân cư, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tài trợ, góp vốn xây dựng, hiến đất, cho vay vốn đầu tư… để xây mới, sửa chữa trường, lớp học nhằm giảm tình trạng quá tải học sinh trong các trường mầm non, tiểu học, THCS. Đồng thời duy trì và công nhận lại trường đạt chuẩn Quốc gia.

Hải Hằng