Cập nhật: Chủ nhật 03/04/2022 - 09:47
Hai cháu ngoại của bà Thoa xúng xính trong trang phục của dân tộc mình.
Hai cháu ngoại của bà Thoa xúng xính trong trang phục của dân tộc mình.

Ngón tay nhuốm mưa nắng điều khiển cây kim cùng sợi chỉ uốn lượn quấn quyện trên mặt vải đen bóng. Nét hoa văn hiện dần, nở rực, từng chút từng chút. Hàng này cành cây, hàng này quả trám, hàng này đường dích dắc tung tăng, cuộn chỉ dần cho bức tranh sắc màu hiện hình. Ngày ngày như thế, tháng tháng như thế, bộ quần áo dân tộc Dao truyền thống - tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra đời. Để ai đó mỗi khi khoác lên người, sắc màu hoa văn từ thớ vải như cất lên tiếng nói về văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.​

Tôi đã nghĩ như thế khi ngồi hàng giờ xem chị Đặng Thị Thoa, xóm Bãi Bông, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) chế tác trang phục dân tộc. Tôi không nghĩ chị là thợ may, cũng không phải thợ thêu, dù sản phẩm của chị là thành quả của may và thêu.

Chị Thoa nay ở tuổi 56, có 4 con và 7 cháu nội ngoại. Chị thủ thỉ: Ngày xưa, mỗi năm bố mẹ tôi phải bán đi vài con lợn để mua vải thô màu trắng, lấy cây cỏ trên rừng về nhuộm thành màu đen. Bà tôi cắt, khâu, thêu quần áo cho cả nhà. 10 tuổi, tôi đã được mẹ dạy thêu và làm ra quần áo mặc, sợi chỉ cây kim luôn ở bên mình các cô gái Dao. Cách đây vài năm mẹ tôi còn gánh chàm về, ngâm vào chum, nhuộm vải, nhuộm chỉ thêu. Khi tôi đi lấy chồng, cụ nội của chồng tôi vẫn còn tinh mắt khâu quần áo. Nay thì tôi trở thành người làm quần áo cho cả nhà.

Tất cả các thành viên nhà chị Thoa đều có bộ lễ phục do chị cắt may, kể cả hai người con đang làm việc ở nước ngoài cũng được chị may sẵn cho, mỗi lần về nước là diện. Mấy đứa cháu gái đặc biệt thích mặc quần áo dân tộc và xem bà ngoại thêu thùa, may vá. Chẳng đợi bà bảo, chúng xúng xính mặc rồi tíu tít chụp ảnh cùng tôi.

Từ chỗ may quần áo cho gia đình sử dụng, gần mười năm nay, khi chuyển nhà từ trong làng ra gần đường sinh sống, có người tìm đến hỏi mua, vậy là chị Thoa làm để bán. Các bộ quần áo nam, nữ làm sẵn các cỡ, ai vừa cỡ nào thì mặc cỡ ấy.

Công việc thường ngày của chị Đặng Thị Thoa.

Chị Thoa lấy ra cho tôi xem toàn bộ “đồ lề” cho một bộ trang phục nữ. Hóa ra người làm trang phục Dao, ngoài việc khéo tay, cầu kỳ, tỉ mỉ, còn phải có khả năng phối màu và óc thẩm mỹ tốt. Nguyên liệu chính không chỉ có gần 4 mét vải đen mà còn vô vàn các loại chỉ thêu, len, sợi, hạt… khác nữa.

Phần cầu kỳ nhất, lâu công nhất của bộ quần áo phụ nữ Dao là phần thêu. Cổ áo, vạt áo, cổ tay, ống quần, thắt lưng đều được thêu riêng trên mảnh vải sợi vuông, sau đó mới lắp ráp vào. Chị Thoa cũng không thể nhớ hết tên các loại hoa văn được thêu lên bằng cây kim sợi chỉ bé nhỏ. Các cụ truyền lại thế nào thì chị làm theo thế ấy, tỉ mẩn từng chút từng chút một, các hình “chân chó”, “cây sâm”, “gửu”… hiện dần dưới ngón tay người phụ nữ. Riêng hai ống quần thêu mất gần 1 tháng. Hoa văn của phần cổ áo hình hạt dưa, hoa ớt… thêu liên tục cũng phải mất vài chục ngày. Vạt áo xẻ tà viền bằng sợi len 2 màu ghép lại rồi mới khâu vắt dính vào. Phần lưng áo có các “con rùa” bằng sợi len ngóc đầu ‘bò” lên. Sản phẩm được coi là đẹp khi các vạt áo, ống tay, ống quần thẳng, nuột, suôn, đường kim đều, ngắn, mịn, các mối nối ghép không cộm, màu sắc hài hòa. Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường và lướt ngón tay lên bề mặt tấm thêu, khó ai nghĩ đó là sản phẩm của đôi bàn tay chai sần kia bởi nó vô cùng đều đặn, mịn màng như được thêu bằng máy móc cao cấp.

Tôi nhìn khay hạt nhựa đủ màu, mỗi hạt chỉ nhỉnh hơn trứng con kiến mà cảm phục sự nhẫn nại của người phụ nữ Dao. Từng hạt li ti này xâu thành nhiều sợi dài, chập lại thành chùm vài chục sợi đã hết bao nhiêu là thời gian. Màu đen cơ bản của vải ban đầu được “màu hóa” bằng chỉ thêu, len, hạt, cúc bạc… tất cả phối với nhau vừa hài hòa vừa tôn vinh, khiến khuôn mặt người mặc sáng trắng, rạng ngời. Đấy là bí quyết của người làm trang phục, cũng là nét “điệu ngầm” của người Dao Lô Gang (Đồng Hỷ).

Giản dị hơn của phụ nữ, nhưng trang phục cho nam giới cũng không ít màu sắc. Riêng 2 vạt áo trước được phủ 4 mảng thêu “đắp” nổi như hình 4 cái túi. Kết hợp với mũ nồi đen và quần đen, người đàn ông Dao nổi bật trong các ngày trọng đại như Lễ Cấp sắc, ngày cưới, lễ hội.

Chị Thoa mang bộ quần áo mới may ra giúp tôi “lên đồ”. Quả là cầu kỳ, tầng tầng lớp lớp. Ngoài áo và quần, phải thêm gần chục “món” phụ kiện nữa: Khăn nhỏ buộc gọn tóc ra phía sau, mũ và dải dây cố định mũ, khăn chùm đầu xòa che hai bên tai, cuộn dây hạt đủ màu cài từ cổ rủ vòng cung xuống ngực, chùm tua rua kết bằng sợi len ngũ sắc kín đáo cài từ cổ áo rủ ra phía trước, 3 chiếc vòng cổ màu trắng bạc to nhỏ ôm lấy khuôn ngực có chiếc áo yếm phô hàng cúc bạc 8 cánh lóng lánh. Riêng phần eo lưng có 2 dải vải màu đối chọi (trắng - đỏ hoặc trắng - xanh) dài chừng hai mét thắt giữ vạt áo và làm phồng khuôn ngực. Phía ngoài phủ tấm khăn kết bằng hạt màu đính trên vải, mỗi bước đi chùm hạt đong đưa xóc xách bên hông. Phải mất khoảng 30 phút, gần 2kg áo quần cùng phụ kiện mới “xếp” xong lên người tôi. Soi vào gương tôi không nhận ra mình. Nước da trắng bật, khuôn người thon gọn, khỏe khoắn, bước đi trở nên khoan thai, nghiêm ngắn. Tôi thầm phục “nhà tạo mẫu” nào đó, từ xa xưa, đã thiết kế ra trang phục này để truyền đến ngày nay. Trong bộ lễ phục xa lạ, tôi như nghe được thông điệp của người xưa: Quần áo không chỉ là thứ để mặc mà còn thể hiện quan niệm về vũ trụ, về nhân sinh, là nét sang trọng, kiêu sa kín đáo, khoe khéo sự tinh tế của đôi tay và óc thẩm mỹ riêng có của dân tộc. Dù cuộc sống chưa giàu có, nhiều người vẫn dám đầu tư cho mình bộ trang phục (cộng phụ kiện) từ 7 đến 15 triệu đồng, cho thấy tình yêu của người Dao đối với nét đẹp truyền thống của cha ông sâu nặng đến thế nào.

Anh Dương Phúc Thuận (chồng chị Thoa) cho biết, dòng họ nhà anh đã ở Hợp Tiến hơn trăm năm. Hiện xóm Bãi Bông còn 3-4 cụ tuổi 80-90 vẫn tự mình cắt khâu quần áo và mặc thường ngày. Lớp người từ 60 tuổi trở lại thường chỉ mặc trang phục dân tộc khi đi dự lễ cưới, cấp sắc, lễ hội.

Cộng đồng dân tộc Dao ở Hợp Tiến hiện chiếm hơn 70% dân số của xã. Bằng việc thành lập Câu lạc bộ giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc Dao (gồm 300 hội viên), các hoạt động như ca hát, dạy chữ, thêu may, lưu truyền bài thuốc dân gian được đồng bào chú trọng, trở thành nét văn hóa độc đáo ở đây. Riêng “tác phẩm” trang phục quần áo của chị Thoa đã được khách trong tỉnh và các tỉnh bạn như: Hà Giang, Tuyên Quang tìm đến đặt hàng. Tuy nhiên, chị Thoa bảo: Nếu một mình làm tất cả các công đoạn thì hàng năm trời mới được một bộ quần áo. Thế nên gần đây mấy chị em trong xóm Bãi Bông chúng tôi rủ nhau cùng làm. Người thêu ống quần, người thêu cổ áo, người làm mũ, người làm khăn chùm. Tôi là người lắp ráp các công đoạn để có bộ trang phục hoàn chỉnh này.

Mang cả tâm hồn đặt vào đường kim mũi chỉ, bộ trang phục truyền thống dân tộc Dao của chị Đặng Thị Thoa và một số chị em xóm Bãi Bông đã được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2021. Đây là sản phẩm quần áo đạt OCOP đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này tại Thái Nguyên.

Tôi lưu luyến chia tay chị Thoa cùng thế giới của thêu, may, kết nối và hòa sắc trên vải vừa được trải nghiệm. Tôi ấn tượng mãi gương mặt phúc hậu, sự nhiệt tâm của chị với quần áo truyền thống. Chính tình yêu và sự hồn nhiên ấy đã góp phần lưu giữ và làm thắm tươi hơn bản sắc văn hóa dân tộc Dao ở đất Hợp Tiến này.

Minh Hằng