Hội thảo hội lấy ý kiến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19
Hội thảo do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan đồng chủ trì Hội thảo.
Theo thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), toàn quốc hiện có khoảng 242.000 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó năm 2021 phát hiện mới 13.223 người; số người nhiễm HIV tử vong là 110.990 người. Tỷ lệ mới phát hiện trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ, đường lây chủ yếu là qua quan hệ tình dục không an toàn và tỷ lệ này tiếp tục tăng mạnh qua các năm.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, các cơ quan phòng chống HIV đã xây dựng các văn bản hướng dẫn tạm thời, điều phối cấp thuốc cho bệnh nhân đối với các cơ sở y tế bị phong tỏa, thành lập các nhóm kỹ thuật hỗ trợ trực tuyến.
Công tác điều trị ARV tiếp tục được mở rộng, chất lượng điều trị rất tốt. Hiện có hơn 163.000 bệnh nhân đang được điều trị ARV, phác đồ điều trị liên tục được cập nhật, các đơn vị mở rộng điều trị trong ngày, cấp phát thuốc nhiều tháng, tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh nhân trong bối cảnh dịch bệnh diến biến phức tạp.
Năm 2021, văn bản pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục được kiện toàn. Trình cấp thẩm quyền ban hành Nghị định 63 của Chính phủ về hướng dẫn Luật Phòng chống HIV/AIDS sửa đổi và Nghị định xác định tình trạng nghiện ma túy; Thông tư 09 của Bộ Y tế về xét nghiệm HIV cho phụ nữ có thai; 8 hướng dẫn chuyên môn về phòng, chống HIV/AIDS. Ngoài ra, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 07, thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ để hướng tới mục tiêu Chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030.
Từ thực tế nêu trên, các đại biểu tham dự Hội thảo đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm an ninh không gian mạng, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao phù hợp với tình hình thực tiễn.
Các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết chung về công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm để tăng cường công tác chỉ đạo điều hành của các cấp, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, bố trí nguồn lực cho công tác phòng, chống mại dâm trong thời gian tới; xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh dự án Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm.
Tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan ghi nhận các ý kiến và cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để có chính sách thích hợp với các cơ sở điều trị ma túy ngoài công lập; có giải pháp quản lý người sau cai nghiện gắn với đào tạo giải quyết việc làm để công tác phòng, chống tệ nạn xã hội hiệu quả hơn.