Theo Đề án, huyện Phú Bình đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất trên một diện tích đất trồng trọt đạt 130 triệu đồng/ha, đến năm 2030 đạt 150 triệu đồng/ha. Đề án lựa chọn 8 sản phẩm nông nghiệp có lợi thế để đầu tư phát triển, gồm: Gạo chất lượng cao; rau củ quả tươi chất lượng cao; thịt lợn; thịt gà và trứng giống; thịt bò; cá rô phi cao sản; gỗ rừng trồng; trám đen.
Để phát triển các sản phẩm trên, Phú Bình tập trung xây dựng 9 dự án ưu tiên, gồm: Xây dựng và phát triển thương hiệu “Nếp Thầu Dầu Phú Bình” theo tiêu chuẩn hữu cơ; liên kết chuỗi giá trị sản phẩm rau chất lượng cao; xây dựng mô hình sản xuất ngô sinh khối trên đất kém hiệu quả phục vụ thức ăn chăn nuôi bò thịt; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; phát triển “Gà đồi Phú Bình”; phát triển bò thịt chất lượng cao; liên kết chuỗi giá trị sản phẩm cá rô phi; phát triển trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng; mở rộng sản xuất, chế biến và bảo quản quả trám đen. Tổng kinh phí thực hiện các dự án ưu tiên là 74,6 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, đại diện các xã, thị trấn đã phát biểu ý kiến xoay quanh một số vấn đề: Khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án tại địa phương khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp; việc lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu lợi thế tham gia thực hiện Đề án; tập huấn khoa học kỹ thuật trong thực hiện các dự án, kinh phí tham gia thực hiện Đề án; việc thay đổi tư duy sản xuất gắn với đầu ra của sản phẩm, liên kết giữa các “nhà”: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp…