Trong quý I, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là dịp Tết Nguyên đán, số ca F0 trên địa bàn tỉnh liên tục tăng cao dẫn đến nguồn cung lao động bị thiếu hụt. Lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm tới 4,2%, tương ứng với gần 11.300 người, ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị sản xuất (GTSX). Tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời của các cấp, ngành cộng hưởng với việc tích cực áp dụng biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt của các doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao.
Theo kết quả thống kê, GTSX công nghiệp 3 tháng đầu năm (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 158,6 nghìn tỷ đồng, bằng 17,2% kế hoạch cả năm, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 146,3 nghìn tỷ đồng (chiếm 92,2% GTSX công nghiệp toàn tỉnh), tăng 5,9% so với cùng kỳ; khu vực công nghiệp trong nước đạt 12,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, trong quý I, nhiều nhóm sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh đều có lượng sản xuất tăng. Cụ thể: Nhóm sản phẩm và thiết bị điện tử đạt 62,2 triệu sản phẩm, tăng 14,1% so với cùng kỳ và bằng 17,4% kế hoạch năm; vonfram và sản phẩm vonfram đạt 7,2 nghìn tấn, tăng 98,4% so với cùng kỳ và bằng 39,7% kế hoạch; sản phẩm may đạt 22,6 triệu sản phẩm, tăng 14,6% so với cùng kỳ và bằng 26% kế hoạch; thiết bị và dụng cụ khác trong y khoa đạt 405,3 triệu sản phẩm, tăng 14,3%…
3 tháng đầu năm, ngành May mặc của tỉnh đạt 22,6 triệu sản phẩm, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG.
Nói về sự tăng trưởng trong hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, cho biết: Nhờ linh hoạt và thực hiện hiệu quả các giải pháp đảm bảo sản xuất - kinh doanh, trong 3 tháng đầu năm, tổng doanh thu của TNG đạt trên 1.258 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021.
Tương tự TNG, trong quý I, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cũng tăng trưởng khá với GTSX công nghiệp đạt trên 3.959 tỷ đồng, bằng 29% kế hoạch năm, tăng 35% so với cùng kỳ. Ngoài ra, tại một số doanh nghiệp khác như: Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo, Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico, Công ty CP Thương mại Thái Hưng, Tập đoàn An Khánh, Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên... nhiều chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh đều đạt và vượt so với kế hoạch.
Sự tăng trưởng trên là tín hiệu rất tích cực đối với phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% theo đúng chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của UBND tỉnh, ông Trần Quang, Cục trưởng Cục Thống kê Thái Nguyên, phân tích: Khu vực công nghiệp và dịch vụ có tỷ trọng lớn, tác động trực tiếp đến tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh - GRDP. Năm 2022, Thái Nguyên phấn đấu GTSX công nghiệp tăng 9%, tương ứng tăng gần 80 nghìn tỷ đồng. Để đạt được mức tăng trưởng trên thì các doanh nghiệp nội tại cần tăng khoảng 6%, tương ứng GTSX công nghiệp tăng 50 nghìn tỷ đồng; 3% đóng góp còn lại đến từ các doanh nghiệp mới tăng thêm, tương ứng GTSX công nghiệp của các doanh nghiệp này rơi vào khoảng 30 nghìn tỷ đồng.
Cũng theo ông Quang: Với khoảng 10 doanh nghiệp công nghiệp có năng lực mới tăng thêm vào năm 2022, trong đó, một số đơn vị có giá trị sản phẩm lớn như: Công ty TNHH Trina Solar Energy, Công ty TNHH Sunny Opotech, Công ty TNHH Wits Vina, Công ty TNHH Dongwha Việt Nam đi vào sản xuất với sản lượng tăng cao so với cùng kỳ, theo dự kiến là kỳ vọng để ngành Công nghiệp của Thái Nguyên hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.
Trước tình hình trên, khi chủ trì Phiên họp toàn thể lần thứ 8 của UBND tỉnh để thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2022 mới đây, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã chỉ đạo: Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đối với từng khu vực, ngành, lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư sản xuất công nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng, đầu tư vào khu, cụm công nghiệp; ưu tiên các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh và đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân vốn ODA...
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh: GTSX công nghiệp quý I/2022 chưa đạt tăng trưởng cao như kỳ vọng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và xung đột chính trị Nga - Ukraine. Tuy nhiên, với chủ trương sản xuất trong điều kiện bình thường mới, sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị cùng những giải pháp phát triển đồng bộ của các doanh nghiệp công nghiệp sẽ là đòn bẩy giúp Thái Nguyên hoàn thành tốt mục tiêu tăng trưởng GRDP trong năm nay.