Cập nhật: Chủ nhật 17/04/2022 - 10:22
Cô giáo Hà Ánh Phượng trò chuyện với học sinh Trường THPT Hương Cần (tỉnh Phú Thọ).
Cô giáo Hà Ánh Phượng trò chuyện với học sinh Trường THPT Hương Cần (tỉnh Phú Thọ).

“Trong câu chuyện của mình, tôi nhận ra rằng, bản thân thật sự xúc động khi nhìn thấy sự thay đổi tích cực từ các em học sinh, không chỉ ở kiến thức học trên lớp, mà còn có thêm sự tự tin, tự lập khẳng định giá trị bản thân của mỗi người học trò. Khi đó, chúng tôi sẽ cùng nhau tạo ra những lớp học, trường học hạnh phúc, vui vẻ và tràn đầy ý nghĩa” - cô giáo Hà Ánh Phượng chia sẻ.

Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Trường đại học Hà Nội, với thành tích xếp loại giỏi, Hà Ánh Phượng đã quyết định trở về mảnh đất quê hương còn nhiều khó khăn của mình để thực hiện ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ. Năm 2016, Ánh Phượng về công tác tại Trường THPT Hương Cần (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ), nơi có hơn 85% số học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số.

Là giáo viên ngoại ngữ, cô giáo Ánh Phượng luôn tâm niệm “Giáo dục là không giới hạn”, vì thế luôn cố gắng tìm hiểu, sáng tạo những phương pháp dạy học thú vị, nhằm tạo niềm hứng khởi, yêu thích học tập cho các em.

“Bản thân từng là học sinh miền núi, tôi thấu hiểu những khó khăn mà học sinh quê mình gặp phải. Nhiều em vì hoàn cảnh gia đình, chưa có cơ hội để học tập và phát triển như các bạn đồng trang lứa ở thành phố. Từ đó, tôi tìm cách tạo ra môi trường học ngoại ngữ sinh động, phong phú, để bất cứ học sinh nơi nào cũng có thể được hưởng nền giáo dục tốt nhất” - cô Phượng tâm sự.

Với cô Phượng, dạy tiếng Anh là dạy về một thế giới mới, một nền văn hóa mới. Bởi vậy trong lớp học của mình, Hà Ánh Phượng thường áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau để giúp học sinh phát triển các kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề, hay khả năng tự học, sự tự tin, khẳng định bản thân. Cô đã ứng dụng các phần mềm học trực tuyến để đưa học sinh của mình đến gần hơn với bạn bè ở các quốc gia khác, giúp các em có môi trường giao tiếp và học tập hiệu quả, khắc phục những hạn chế của mô hình lớp học truyền thống.

Và mô hình lớp học xuyên biên giới nhằm kết nối các học trò của cô Phượng với lớp học của các nước trên thế giới qua giờ tiếng Anh được ra đời. Ở đó, học sinh không chỉ có cơ hội được luyện tập nghe, nói, phát âm với các thầy, cô giáo và các bạn nước ngoài, mở mang kiến thức về văn hóa, mà còn vun đắp niềm say mê môn học ngoại ngữ, niềm khao khát trở thành những công dân toàn cầu. Nhờ đó, cô Phượng cùng các em học sinh đã “du lịch không visa” tới hơn 46 quốc gia ở khắp các châu lục.

Thông qua mô hình nêu trên, cô Phượng còn cùng học trò xây dựng dự án “Nói không với ống hút nhựa”. Dự án được hưởng ứng bởi nhiều trường học ở cả ba miền bắc, trung, nam của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong dự án này, học sinh của cô Phượng đã kết hợp kiến thức liên môn để giới thiệu quy trình làm chiếc ống hút bằng tre, nứa hay tuyên truyền về các hoạt động phòng, chống rác thải nhựa.

Hay dự án “Phòng chống bạo lực trên không gian mạng”, nhằm nâng cao nhận thức của học sinh Việt Nam trong việc an toàn khi sử dụng mạng, đã lan tỏa đến 43 trường học trên cả nước và hơn 20 quốc gia.

Năng động và luôn đầy ắp ý tưởng, cô giáo trẻ miền núi Ánh Phượng còn tích cực tham gia các buổi phát triển chuyên môn trên phạm vi toàn cầu. Những diễn đàn kết nối là nơi cô giáo Hà Ánh Phượng tích cực lan tỏa và chia sẻ sáng kiến tới nhiều đồng nghiệp khắp mọi miền.

“Tôi hiểu rằng việc mình chia sẻ những kiến thức chuyên môn, những bài giảng về ứng dụng công nghệ thông tin tới đồng nghiệp chính là việc làm thiết thực để xây dựng xã hội học tập tốt hơn và có thể giúp đỡ được nhiều học sinh tốt hơn. Và tôi đã thay đổi như vậy để vượt qua những rào cản, khó khăn, đem đến nụ cười cho học sinh với những giờ học hạnh phúc” - cô giáo Ánh Phượng nói.

Hiệu trưởng Trường THPT Hương Cần Bùi Vĩnh Tuy cho biết, cô giáo Ánh Phượng rất năng động, nhiệt huyết, là tấm gương dạy học, truyền tải kiến thức đến học sinh bằng nhiều phương pháp sáng tạo, đổi mới, giúp các em tự tin hơn khi giao tiếp ngoại ngữ cũng như trong cuộc sống; kết quả là nhiều em đạt thành tích trong các cuộc thi. Bên cạnh đó, với vai trò đại biểu Quốc hội, Ánh Phượng cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ là người đại biểu của nhân dân, được mọi người yêu mến, quý trọng.

“Trên cương vị là một giáo viên, một người phụ nữ, một người trẻ tuổi dân tộc thiểu số và là một nữ đại biểu Quốc hội, tôi sẽ cố gắng nỗ lực hơn nữa để có thể mang lại nhiều giá trị tốt đẹp cho xã hội và hoàn thiện các phẩm chất, kỹ năng cần có của một người phụ nữ hiện đại thế kỷ 21. Các em học sinh đều có nhiều tiềm năng để thành công. Vì thế ước mơ lớn nhất của tôi không phải giành nhiều giải thưởng, danh hiệu mà luôn muốn tạo ra nhiều cơ hội để truyền động lực cho các em tự tin bước về phía trước, dám theo đuổi đam mê, ước mơ hoài bão của mình”, cô giáo Ánh Phượng chia sẻ.


Theo NDĐT