Cập nhật: Thứ tư 20/04/2022 - 09:13
Các thành viên Chốt Sơ cấp cứu Chữ thập đỏ tổ 10, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên), tự mua sắm và tận dụng tối đa dụng cụ y tế có sẵn để phục vụ công việc.
Các thành viên Chốt Sơ cấp cứu Chữ thập đỏ tổ 10, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên), tự mua sắm và tận dụng tối đa dụng cụ y tế có sẵn để phục vụ công việc.

Hội Chữ thập đỏ T.P Thái Nguyên hiện có 27 trạm, chốt sơ cấp cứu (SCC) tai nạn giao thông (TNGT) được bố trí tại những điểm xung yếu trên các tuyến đường huyết mạch. Với vai trò SCC ban đầu, thời gian qua, các điểm SCC này được ví như “phao cứu sinh” góp phần cứu sống, giảm thiểu thương vong cho nhiều người bị TNGT. Tuy nhiên, phần lớn các trạm, chốt này còn gặp khó khăn, cần sự chung tay chia sẻ của cộng đồng.

Tuyến đường Phú Thái, phường Tân Thịnh, nhiều năm nay có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao, trên đường nhiều khúc quanh nên trở thành điểm nóng về TNGT. Với mong muốn khắc phục tai nạn, thương vong không đáng có, tháng 6-2021, Hội Chữ thập đỏ phường Tân Thịnh đã thành lập Chốt SCC Chữ thập đỏ tại tổ 10.

Bà Nông Thị Hồng, Chốt trưởng SCC Chữ thập đỏ tổ 10, chia sẻ: Chốt đặt tại gia đình tôi với 3 thành viên là cán bộ, y, bác sĩ đã nghỉ hưu tham gia. Không có hỗ trợ về kinh phí hoạt động, dụng cụ y tế nên nhiều lúc chúng tôi gặp khó khăn trong SCC cho người bị nạn. Song với tinh thần tự nguyện, chúng tôi luôn động viên nhau khắc phục khó khăn, đóng góp kinh phí mua sắm thuốc men, bông gạc, dụng cụ y tế để ứng cứu tốt nhất cho nạn nhân.

Với tinh thần đó, thời gian qua,  các thành viên của Chốt đã SCC cho hàng trăm trường hợp không may bị TNGT, tai nạn lao động. Ví dụ như trường hợp của chị Nguyễn Thị Nga, người dân trong tổ. Hôm đó, trời nhá nhem tối, chị đi xe máy không may va chạm với ô tô nên bị ngã, gãy xương đòn, ngất tại chỗ. Chị được các thành viên băng bó vết thương, nẹp xương rồi chuyển đi bệnh viện, đến nay sức khỏe đã hồi phục.

Còn ông Nguyễn Xuân Hà, Chốt trưởng SCC Chữ thập đỏ tại xóm Hùng Vương, xã Linh Sơn, nói: “Chốt thành lập từ năm 2012 với 5 tình nguyện viên, hoạt động hiệu quả. Trung bình mỗi năm, Chốt SCC ban đầu khoảng 20 ca tai nạn lao động, TNGT. Dù trang thiết bị của Chốt khá đầy đủ nhưng lại chưa được Sở Y tế cấp phép hoạt động, không có biển hiệu ghi số điện thoại nên nhiều người chưa biết đến. Các tình nguyện viên của Chốt phải phát huy tối đa mối liên hệ để nhận thông tin về các vụ tai nạn hoặc các trường hợp cần giúp đỡ.”

Ông Nguyễn Văn Nguyên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ T.P Thái Nguyên cho biết: Từ năm 2021 đến nay, 27 trạm, chốt SCC trên địa bàn thành phố đã thực hiện SCC cho gần 120 ca, trong đó, chuyển gần 50 ca lên tuyến trên. Hoạt động của các chốt, trạm bước đầu đáp ứng nhu cầu SCC người bị nạn, góp phần hạn chế những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Tuy nhiên, đa số các chốt hiện nay đều gặp khó khăn chung là thiếu thuốc, thiết bị y tế hoặc chưa được cấp phép hoạt động. Bên cạnh đó, số lượng tình nguyện viên thường xuyên biến động do không có chế độ phụ cấp, chỉ làm kiêm nhiệm; thiếu các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ, bài bản trong thực hiện các kỹ thuật, tổ chức SCC; một số tình nguyện viên chưa cập nhật kịp thời những kiến thức của y học hiện đại... ảnh hưởng đến hoạt động của các chốt, khiến nhiều cán bộ hội trăn trở.

Thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ thành phố mong muốn được Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức tập huấn và phát triển các mô hình SCC cộng đồng; bổ sung thiết bị y tế tại các chốt SCC như nẹp, bông băng... để tình nguyện viên sử dụng, thực hành; đồng thời tổ chức kiểm tra định kỳ để đánh giá, bổ sung kỹ năng của tình nguyện viên, bảo đảm các tiêu chuẩn để trạm, chốt SCC được cấp phép hoạt động trong thời gian sớm nhất.

Hội cũng mong nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ từ cộng đồng trong việc tham gia, tuyên truyền, hỗ trợ vật lực để các chốt SCC ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Lưu Phượng - Lê Lý