Theo TTXVN, bài viết ca ngợi mối quan hệ truyền thống hữu nghị, đoàn kết, thủy chung, trong sáng có một không hai giữa Việt Nam và Lào. Trải qua quá trình phát triển của lịch sử, dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane (Cay-xỏn Phôm-vi-hản), Chủ tịch Souphanouvong (Xu-pha-nu-vông) và các vị tiền bối, nhân dân hai nước Lào-Việt Nam đã lập nên những kỳ tích vĩ đại cho trang sử vẻ vang của hai dân tộc và của thế giới. Từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 5/9/1962, quan hệ giữa hai dân tộc càng được củng cố vững chắc. Tác giả viết, vào những năm 1960, những người con của các bộ tộc Lào đã vượt qua mưa bom, bão đạn sang học tập, nghiên cứu tại Việt Nam. Trải qua thời niên thiếu được sống và học tập ở nhà dân, được ăn cơm độn sắn, độn khoai cùng với các ông bố, bà mẹ Việt Nam, tôi mới thấu hiểu tình sâu nghĩa nặng mà người dân Việt Nam dành cho các bộ tộc Lào chúng tôi, giúp thế hệ học sinh, sinh viên Lào ngày ấy hiểu rõ về lịch sử của mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước và giờ đây trở thành những hạt giống kế thừa truyền thống tốt đẹp đó, cùng đóng góp sức lực, trí tuệ cho việc giữ gìn, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào được như ngày hôm nay.
Ca ngợi sự gắn bó giữa quân đội và nhân dân hai nước, bài báo nhấn mạnh, trong thời kỳ đấu tranh cứu nước, bộ đội và nhân dân Việt Nam anh em bằng cả trái tim, tấm lòng và tuổi thanh xuân thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, cùng nhân dân Lào chiến đấu chống các đế quốc hùng mạnh nhất, giành lại nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và nhiều người trong số họ đã hy sinh xương máu, tuổi thanh xuân của mình trên đất nước Triệu Voi. Nhân dân các bộ tộc Lào nguyện đời đời nhớ ơn họ. Bước vào giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng kiến thiết đất nước trong hòa bình và quá độ đi lên xã hội chủ nghĩa, ngày 18/7/1977, hai nước đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào. Hiệp ước mang ý nghĩa rất to lớn, là cơ sở pháp lý cho việc mở rộng hợp tác đặc biệt toàn diện của hai nước trong giai đoạn mới và kể từ đó, hai nước đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng khác…
Tác giả bài báo khẳng định, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện của hai nước Lào-Việt Nam ngày càng được củng cố và tăng cường cả về chiều sâu, chiều rộng và hiệu quả. Việc lãnh đạo cấp cao hai Ðảng, hai Nhà nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm đã làm tăng thêm lòng tin chiến lược lẫn nhau, trong khi quan hệ về chính trị, quốc phòng-an ninh tiếp tục là trụ cột, sức mạnh và nhân tố cốt lõi cho việc tăng cường mối quan hệ đặc biệt, hợp tác toàn diện trước sau như một của hai nước. Ðầu tư của Việt Nam vào Lào ngày càng nhiều hơn và ngược lại, các nhà đầu tư Lào tại Việt Nam cũng càng ngày càng phát triển lớn mạnh, tất cả đều vì mục tiêu đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Việt Nam hiện là một trong những nước đầu tư lớn nhất vào Lào trong số 54 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung vào các lĩnh vực thủy điện, khoáng sản, nông nghiệp, dịch vụ và các lĩnh vực khác. Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào không chỉ tính tới lợi nhuận kinh tế mà họ còn chú trọng xây dựng các dự án hỗ trợ nâng cao đời sống sinh hoạt của nhân dân Lào như trường học, bệnh viện, hệ thống thủy lợi…
Tác giả bài viết đã đưa ra minh chứng cho tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa", một trong những biểu tượng của tình hữu nghị cao đẹp, thủy chung và trong sáng, tượng trưng cho tinh thần sẵn sàng chia sẻ, luôn sát cánh bên nhau trong mọi hoàn cảnh của hai dân tộc. Theo tác giả, khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Lào, Việt Nam là nước đầu tiên giúp Lào về trang thiết bị, chuyên gia y tế. Về phía Lào, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn chia sẻ với Việt Nam trong phòng, chống dịch.
Nhấn mạnh quyết tâm củng cố và phát triển sâu rộng hơn nữa quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước, tác giả bài viết khẳng định, trong suốt quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội theo bản sắc riêng của mình, hai nước Lào và Việt Nam cùng chung một lý tưởng, thống nhất và đồng thuận hỗ trợ nhau phát triển, cùng xây dựng một tương lai tươi sáng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.