Đến Trường Tiểu học Hương Sơn vào một ngày đầu Hè, chúng tôi ấn tượng bởi màu xanh mát của cây và rực rỡ của hoa. Lớp học được trang trí sinh động, khoa học, với những khẩu hiệu dễ nhớ để giáo viên, HS thực hiện tốt.
Lê Anh Quân, Lớp trưởng lớp 5A phấn khởi khoe: Năm học này Nhà trường tổ chức rất nhiều hoạt động như: Chương trình tiến bước lên Đoàn, tìm hiểu về lịch sử Đoàn, Đội… Em và các bạn trong lớp đều tham gia nhiệt tình để trở thành con ngoan, trò giỏi.
Được biết, Trường Tiểu học Hương Sơn đã khéo léo lồng ghép, tổ chức cho HS tham gia nhiều hoạt động tập thể, trải nghiệm ngoài giờ lên lớp; đưa nội dung giáo dục lịch sử, truyền thống địa phương vào bài giảng.
Cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Vân, Chủ nhiệm lớp 2A thông tin: Trong một số môn học tôi đưa ra các tình huống để HS cùng trao đổi liên quan đến 4 phẩm chất: Lễ phép, thân thiện, trung thực, trách nhiệm. Từ đó các em tự rút ra bài học cho bản thân.
Thực tế tại TP.Thái Nguyên, chúng tôi nhận thấy các nhà trường đã rất sáng tạo trong việc giáo dục đạo đức, lối sống và văn hóa ứng xử cho HS. Đơn cử như Trường THCS Tân Lập đã phát động giáo viên xây dựng các thông điệp nhà trường; xây dựng video, clip về nội dung giáo dục “Lễ phép, thân thiện, trung thực và trách nhiệm”, đăng tải trên trang website, Fanpage để tuyên truyền đến phụ huynh phối hợp với Nhà trường trong việc giáo dục HS.
Theo cô giáo Lưu Thị Thùy Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Lập: Vào dịp 22-12, Nhà trường phối hợp với Lữ đoàn 210 (Quân khu 1) tổ chức dạy trực tuyến về chủ đề nêu gương anh Bộ đội Cụ Hồ. Chúng tôi dạy HS từ việc nhỏ nhất như cách chào, ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông…
Bám sát kế hoạch, hướng dẫn tổ chức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và văn hóa ứng xử cho HS phổ thông giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Phòng GD&ĐT TP.Thái Nguyên đã triển khai đến 100% trường mầm non, tiểu học, THCS các giải pháp xây dựng những phẩm chất đạo đức trong HS như: Lễ phép, thân thiện, trung thực và trách nhiệm. Các trường học trên địa bàn đã chú trọng lồng ghép, tích hợp nhiều nội dung; tổ chức cho HS tham gia các hoạt động lao động tập thể, chương trình ngoại khóa, trải nghiệm, hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Đồng thời, các trường đã đưa nội dung giáo dục lịch sử, truyền thống địa phương và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc vào giảng dạy; tổ chức các kì thi tìm hiểu lịch sử đất nước, địa phương, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Quốc Hòa, Trưởng Phòng GD&ĐT TP.Thái Nguyên: Sự chủ động, sáng tạo của các nhà trường đã giúp HS xác định được mục tiêu, lý tưởng, ý chí phấn đấu, hiếu học, tôn sư trọng đạo; có phẩm chất đạo đức tốt; có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước. Đặc biệt là đã xuất hiện nhiều tấm gương HS nghèo vượt khó, tự giác tu dưỡng, học tập, rèn luyện, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng.
Không chỉ với HS, các trường trên địa bàn TP.Thái Nguyên đã nêu cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, các thầy giáo, cô giáo, xây dựng hình ảnh “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” cho học sinh noi theo.