Cập nhật: Thứ bẩy 30/04/2022 - 15:41
Công trình cải tạo, nâng cấp hệ thống vỉa hè, cây xanh và kết nối hạ tầng các khu dân cư nút giao Tân Lập (TP. Thái Nguyên) được đầu tư với tổng kinh phí trên 75 tỷ đồng.
Công trình cải tạo, nâng cấp hệ thống vỉa hè, cây xanh và kết nối hạ tầng các khu dân cư nút giao Tân Lập (TP. Thái Nguyên) được đầu tư với tổng kinh phí trên 75 tỷ đồng.

Xác định việc đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị là tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, TP. Thái Nguyên đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng đô thị. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng của thành phố từng bước được hoàn thiện theo hướng hiện đại và đồng bộ.

Chú trọng lập và quản lý quy hoạch

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch có vai trò quan trọng, làm tiền đề cho đầu tư xây dựng các công trình, chỉnh trang và phát triển đô thị. Xác định rõ tầm quan trọng của khâu này, trên cơ sở Quy hoạch chung đô thị đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP. Thái Nguyên đã triển khai lập quy hoạch chi tiết, làm cơ sở để thực hiện các dự án đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khung cho đô thị thành phố.

Giai đoạn 2015-2020, từ nguồn vốn ngân sách và vốn xã hội hóa, TP. Thái Nguyên đã lập, triển khai 98 đồ án quy hoạch đô thị với tổng kinh phí gần 80 tỷ đồng. Đến năm 2020, 46,5% diện tích đất nội thành được quy hoạch chi tiết. Riêng năm 2021, địa phương đã lập, thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 68 quy hoạch xây dựng đô thị của thành phố và các nhà đầu tư khác. Trong đó, lập 45 quy hoạch xây dựng trên địa bàn thành phố, thẩm định 23 quy hoạch chi tiết. Cụ thể như: Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2035; khu đô thị Linh Sơn - Huống Thượng; khu đô thị sinh thái phía Tây xã Phúc Xuân; khu dân cư mới phường Tân Thịnh…

Ngoài nguồn vốn ngân sách, TP. Thái Nguyên đã thu hút đầu tư vào nhiều công trình, dự án trên địa bàn, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị. Trong ảnh: Dự án tháp đôi Prime Thái Nguyên đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Tăng cường các nguồn lực đầu tư

Trên cơ sở lập quy hoạch, cùng với nguồn vốn ngân sách, TP. Thái Nguyên huy động nhiều nguồn lực đầu tư vào kết cấu hạ tầng đô thị. Giai đoạn 2015-2020, thành phố có 412 công trình, dự án được triển khai, với tổng mức đầu tư từ nguồn ngân sách thành phố trên 7.800 tỷ đồng; có 13 dự án được đầu tư bằng nguồn ODA với tổng giá trị trên 2.500 tỷ đồng. Nhiều công trình, dự án đã và đang được đầu tư hoàn thiện, tạo diện mạo mới cho bộ mặt đô thị, như: Đường Bắc Sơn kéo dài, đường Việt Bắc, cầu Bến Tượng, khu đô thị Thái Hưng EcoCity, Trung tâm thương mại Big C, tòa nhà TECCO, khu nhà ở Tiến Bộ, Nghĩa trang An Lạc Viên Indevco, trung tâm thời trang TNG...

Bên cạnh đó, thành phố đặc biệt quan tâm đến công tác đầu tư chỉnh trang, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị. Từ năm 2016 đến nay, TP. Thái Nguyên đã đầu tư hơn 250 tỷ đồng hoàn thành 19 dự án cải tạo vỉa hè, thảm mới mặt đường, trồng mới, thay thế cây xanh có nguy cơ đổ gãy, mất mỹ quan; cải tạo hệ thống thoát nước; hoàn thiện việc xây dựng và hạ ngầm hạ tầng kỹ thuật; thay thế đèn chiếu sáng sợi đốt bằng đèn led; mua sắm, lắp đặt thùng rác, nhà vệ sinh cộng cộng.

Đặc biệt, nhiều tuyến phố chính trên địa bàn được đầu tư khu cây xanh, vườn hoa công cộng, trang bị máy tập thể dục, lắp đặt màn hình LED ngoài trời, như: Hoàng Văn Thụ, Đội Cấn, Hùng Vương, Quang Trung… góp phần thay đổi diện mạo đô thị.

Hạng mục cầu Mo Linh 2 (thuộc Dự án Chương trình phát triển tổng hợp đô thị động lực - TP. Thái Nguyên) đang được đẩy nhanh tiến độ. 

Nâng tầm đô thị

Song song với công tác đầu tư xây dựng hạ tầng, TP. Thái Nguyên cũng đặc biệt chú trọng đến việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới người dân cùng chung tay bảo vệ, làm đẹp, nâng tầm đô thị loại I. Theo đó, thành phố đã triển khai có hiệu quả nhiều đề án, như: Xây dựng tuyến phố văn minh đô thị; phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; nâng cao năng lực quản lý trật tự xây dựng và mỹ quan đô thị... Từ các đề án này đã huy động sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân, xây dựng đô thị TP. Thái Nguyên ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Tính đến nay, rác thải sinh hoạt của 100% xã, phường trên địa bàn đã được thu gom, vận chuyển và xử lý tập trung; chất lượng dịch vụ công ích đô thị ngày một nâng cao...  Ông Lê Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Thái Nguyên, thông tin: Hiện nay, thành phố đã có 26 tuyến phố được công nhận Tuyến phố văn minh đô thị, đảm bảo các tiêu chuẩn về kết cấu hạ tầng, trật tự, văn minh đô thị. Trong đó, 16 tuyến đường, phố chính được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch.

Thời gian tới, TP. Thái Nguyên sẽ tiếp tục tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị; tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức của nhân dân trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Cùng với đó, địa phương sẽ thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về xây dựng cơ bản; tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình, dự án đầu tư công; triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển hạ tầng khu dân cư đô thị...

Kim Oanh