Nghiên cứu đang trong quá trình bình duyệt tại Nature Portfolio và đã được đăng trên nền tảng chia sẻ Research Square ngày 2/5 vừa qua.
Theo đó, các chuyên gia từ Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Đại học Minerva và Đại học Y khoa Harvard đã tiến hành nghiên cứu dựa trên hồ sơ của 130 nghìn bệnh nhân Covid-19 ở Massachusetts.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, nguy cơ nhập viện và tử vong ở bệnh nhân mắc Omicron gần như tương tự ở các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 đã hoành hành trong thời gian hơn 2 năm dịch bệnh vừa qua.
Khác với các nghiên cứu trước đây chủ yếu chỉ tập trung vào số ca tử vong và nhập viện, nghiên cứu mới nói trên còn tính đến tình trạng tiêm ngừa Covid-19 của các bệnh nhân, cùng các yếu tố nguy cơ y tế khác và so sánh giữa các nhóm đối tượng có đặc điểm tương đồng.
Các chuyên gia tiến hành nghiên cứu cho biết, đã đánh giá sơ bộ mức độ nghiêm trọng của Omicron sau khi tính đến tác động của vaccine phòng Covid-19, qua đó giúp củng cố tầm quan trọng của tiêm chủng và liều tiêm tăng cường trong việc giúp giữ tỷ lệ nhập viện và tử vong tương đối thấp trong làn sóng Omicron so với các biến thể khác trước đó.
Biến thể Omicron lần đầu tiên xuất hiện vào cuối năm 2021 và ngay sau đó đã nhanh chóng lây lan ra toàn cầu. Theo nhiều chuyên gia y tế công cộng, Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn so các biến thể khác ở đại đa số những người bị nhiễm bệnh. Nhưng nghiên cứu mới nói trên đã bổ sung thêm bằng chứng rằng tiêm vaccine giúp tránh khỏi những tác động nặng hơn từ Omicron.
Ở châu Âu, đại diện Cơ quan Quản lý dược phẩm Liên minh châu Âu (EMA) ngày 5/5 cho biết, vaccine đặc hiệu nhắm đến các biến thể của virus SARS-CoV-2, bao gồm cả biến chủng Omicron, có thể sẽ được phê duyệt chậm nhất là vào tháng 9 tới để sẵn sàng triển khai các chiến dịch tiêm chủng mới ở Liên minh châu Âu (EU) vào mùa thu này.
Các chuyên gia làm việc trong quy trình sản xuất vaccine Pfizer/BioNTech tại nhà máy Allergopharma ở Reinbek, Đức, ngày 30/4/2021. (Ảnh: Pool/Reuters)
Theo ông Marco Cavaleri, người đứng đầu bộ phận ứng phó các nguy cơ sức khỏe và chiến lược vaccine của EMA, điều này sẽ cho phép các nhà sản xuất điều chỉnh dây chuyền sản xuất vaccine cho phù hợp.
Ông Cavaleri nói thêm rằng các nhà phát triển vaccine đang tiến hành nghiên cứu xem liệu các mũi tiêm nhắm vào 1 biến thể duy nhất có mang lại lợi ích hơn so với vaccine đặc hiệu nhắm vào 2 biến thể cùng lúc hay không. Ông lưu ý rằng dữ liệu thử nghiệm dự kiến sẽ có trong vòng vài tháng tới.
Hiện vaccine mRNA đặc hiệu do Pfizer-BioNTech và Moderna sản xuất đang được tiến hành các thử nghiệm lâm sàng. Hãng Moderna cũng đang phát triển liều tăng cường nhắm vào cả biến thể Omicron cũng như chủng virus gốc ban đầu.
Theo ông Cavaleri, khoảng một nửa dân số EU đã được tiêm phòng đầy đủ và cả mũi tăng cường, trong khi còn tới 15% người trên 18 tuổi chưa tiêm mũi 1.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 6/5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 515,8 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 6,2 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân đã bình phục là 470,7 triệu người, trong khi vẫn còn hơn 40 nghìn bệnh nhân nặng đang được điều trị tích cực. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 556 nghìn ca mắc và 2.395 ca tử vong do Covid-19.
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong đại dịch, đến nay ghi nhận hơn 83,4 triệu ca mắc, trong đó trên 1 triệu ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai thế giới với hơn 43 triệu ca, trong đó 523.975 ca tử vong. Với hơn 30,5 triệu ca mắc và 663.967 ca tử vong, Brazil đứng thứ ba thế giới về số ca mắc nhưng đứng thứ hai về số ca tử vong.
Trong nỗ lực đưa cuộc sống trở lại bình thường, đại diện các hãng hàng không lớn tại Mỹ cùng công ty du lịch ngày 5/5 đã gửi thư lên Nhà Trắng, kiến nghị dỡ bỏ các yêu cầu xét nghiệm Covid-19 trước khi khởi hành đối với hành khách quốc tế đã được tiêm phòng khi nhập cảnh Mỹ.
Hiện Mỹ không yêu cầu chứng nhận xét nghiệm âm tính đối với hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu biên giới đất liền với Canada và Mexico, ngoại trừ hành khách đến Mỹ bằng đường hàng không.
Theo quy định, khách du lịch quốc tế nhập cảnh Mỹ qua đường hàng không đã được tiêm phòng phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 3 ngày kể từ ngày khởi hành.
Tại châu Á, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 5/5 cho biết, nước này sẽ xem xét điều chỉnh theo từng giai đoạn các biện pháp ứng phó Covid-19 vào tháng 6 tới, trong đó bao gồm các hạn chế biên giới nhằm khôi phục cuộc sống bình thường.
Tuy nhiên, ông Kishida cũng khẳng định, Nhật Bản vẫn sẽ tiếp tục đề cao cảnh giác với Covid-19 trong giai đoạn vượt qua đại dịch hiện nay.