Chúng tôi đến Điện Biên vào những ngày cuối Xuân, cảm giác khoan khoái và thú vị khi được trải nghiệm trên những cung đường Tây Bắc uốn lượn quanh co với những khúc cua “tay áo”, rồi lại “mở ra” khung cảnh núi rừng hùng vĩ, nên thơ. Hơn thế, những cung đường này còn nhắc nhớ về một thời khó khăn, gian khổ trong những năm tháng kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nhất là thời điểm chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ: “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát”…
Ngày 6/12/1953, cuộc họp ở lán Tỉn Keo, xã Phú Đình (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), Bộ Chính trị cùng Quân ủy Trung ương đã quyết định chọn Điện Biên Phủ là trận đánh kết thúc với quân Pháp. Thời điểm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử làm Bí thư Đảng ủy kiêm Tổng Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng đã lên đường tới Điện Biên, trong lòng luôn ghi nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh.”
Các đại biểu và du khách tham quan triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng” tổ chức tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Nhớ lời dặn của Bác, Đại tướng đã nhiều đêm thức trắng, suy nghĩ, cân nhắc phương án đánh giặc. Đến sáng 26/1/1954, tại Điện Biên, Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định họp Đảng ủy Mặt trận và ra nghị quyết thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, bóc dần từng lớp phòng thủ của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Nói về sự kiện này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng tâm sự: "Ngày hôm đó, tôi đã thực hiện một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình!".
Miên man với bao nghĩ suy, chẳng mấy chốc chúng tôi đến Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ nằm tại khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn, thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên. Nơi đây, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đóng quân trong 105 ngày (31/1/1954 - 15/5/1954). Chị Lò Thị Thủy, cán bộ Ban Quản lý Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, lý giải: Sở dĩ, Bộ Chỉ huy Chiến dịch chọn khu rừng Mường Phăng làm vị trí đóng quân vì ở đây có một vị trí đài quan sát trên đỉnh Pu Tó Cọ, cao khoảng 1.700m so với mực nước biển. Trời quang mây tạnh, vị trí này sẽ bao quát được toàn bộ trận địa Điện Biên Phủ. Từ Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định đến thắng lợi của từng trận đánh mà đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận.
Câu chuyện về chiến thắng của quân đội ta tại Di tích hầm Đờ Cát để lại nhiều xúc cảm trong lòng du khách.
Mường Phăng qua bao năm tháng giờ đã có nhiều đổi thay. Quanh cánh rừng đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ (giờ được người dân địa phương gọi là “rừng Đại tướng”) là những tuyến đường bê tông, nhà cửa khang trang. Xã Mường Phăng đã về đích nông thôn mới. Toàn xã hiện có hơn 1.100 hộ dân, với gần 5.300 nhân khẩu thuộc các dân tộc Mông, Thái, Kinh sinh sống ở hơn 20 thôn, bản. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo dưới 8%...
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: H.Y
Rời Mường Phăng, đến TP. Điện Biên Phủ - nơi diễn ra những trận đánh ác liệt năm xưa, chúng tôi cảm nhận như những chứng tích: Đồi A1, Độc Lập, Him Lam, hầm Đờ Cát… vẫn như còn vẹn nguyên không khí chiến thắng. Khoảnh khắc 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954, lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng vẫn còn lưu dấu trong những bức ảnh, hiện vật, lời kể… làm bao du khách xúc động. Mỗi lần đặt bước chân lên tấc đất, bậc đá nơi này lại cảm thấy hào khí long trời lở đất của đoàn quân ta, tiếng hò reo như còn vang dội.
Tưởng nhớ công lao trời biển của cha anh, thế hệ đi sau đã xây dựng một mái nhà yên nghỉ của 644 liệt sĩ tham gia chiến dịch giữa lòng thành phố Điện Biên Phủ. Phần lớn là các liệt sĩ vô danh, nhưng anh linh của họ không bao giờ cô quạnh, bởi hằng ngày đều có những người con nước Việt và khắp năm châu bốn bể về đây thắp nén nhang thơm tỏ lòng thành kính. Tấm bia ghi danh những người đã ngã xuống vì độc lập của dân tộc, trong đó, có không ít những người con của tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên). Ông Đỗ Đức Thuận, du khách đến từ Thủ đô Hà Nội chia sẻ: Mỗi lần đến thắp hương cho các liệt sĩ, tôi đều xúc động, cảm thấy mình cần cố gắng nhiều hơn nữa và giáo dục con cháu giữ gìn truyền thống cách mạng của cha anh, góp phần dựng xây đất nước giàu mạnh hơn.
Trục đường Võ Nguyên Giáp (TP. Điện Biên Phủ). Ảnh: H.Y
Nơi trung tâm thành phố - lòng chảo Điện Biên Phủ sừng sững một tượng đài chiến thắng. Ở đó, những người lính Cụ Hồ vững tay súng bảo vệ Tổ quốc, phất cao lá cờ chiến thắng và nâng niu em bé dân tộc Thái với một niềm tin vững chắc vào tương lai. Tuyến đường chính của thành phố cũng được vinh dự mang tên vị Đại tướng huyền thoại. Và cách không xa, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ như một chiếc mũ nan rộng vành của người lính Cụ Hồ năm xưa, nhưng lại mang đầy nét hiện đại, chất chứa dấu tích của một giai đoạn lịch sử đầy oai hùng của dân tộc.
Về Điện Biên những ngày cuối Xuân, khắp vùng trời là sắc hoa ban trắng. Ban nở bên họng pháo, tỏa sắc trên hố bộc phá nơi đồi A1, tô trắng cả tuyến đường trong lòng thành phố hay điểm xuyết trên mái tóc đen tuyền của các cô gái Thái áo cóm. Giá trị lịch sử, văn hóa, dân tộc và sức vươn của đồng bào các dân tộc nơi đây đã tạo nên Điện Biên một thế và lực mới.
Hoa ban nở trên chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa.
Nhìn lại giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân GRDP của tỉnh Điện Biên đạt 5,7%. Riêng năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế Điện Biên tiếp tục tăng trưởng và phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 6,01% (gấp hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân chung của cả nước). Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt trên 1.600 tỷ đồng, tăng 25,84% so với năm 2020. Các dự án hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm, đặc biệt Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên Phủ bằng hình thức PPP là dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn đầu tiên của cả nước được khởi công trong năm 2022.
Thời gian có thể dần che lấp những dấu vết chiến tranh, nhưng những giá trị lịch sử, tinh thần, lòng tự hào dân tộc thì còn mãi. Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là bản hùng ca bất tử và chói lọi trong lịch sử của dân tộc ta. Bản hùng ca ấy đã khởi nguồn cho những khúc tình ca đẹp nhất trên mảnh đất Điện Biên và khắp mọi miền Tổ quốc, để những thế hệ đi sau đắp xây nên một Việt Nam hùng cường hôm nay.