Nếu như trước đây, mật ong của HTX nông sản và ong mật Tam Hợp, xã Hợp Thành (Phú Lương) chỉ được tiêu thụ trong tỉnh thì sau khi quảng bá lên nhiều nền tảng như: Facebook, Zalo hay các sàn thương mại điện tử, sản phẩm đã được nhiều khách hàng ngoại tỉnh biết đến và lựa chọn làm quà biếu, tặng.
Anh Phan Hải Đăng, Giám đốc HTX, cho biết: Chúng tôi hiện có gần 2.000 đàn ong, cho thu từ 5-6 tấn mật ong/năm. Ngoài bán hàng theo phương pháp truyền thống, chúng tôi còn giao dịch trực tuyến trên mạng Internet. Tôi nhận thấy, lợi thế của ứng dụng thương mại điện tử là có thể kết nối giữa người bán với người mua mà không phải đến gặp trực tiếp, giúp giảm chi phí. Ngoài ra, HTX cũng không tốn kinh phí cho khâu trung gian, không phải thuê gian hàng trưng bày, sản phẩm có sức lan tỏa đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Không chỉ ở khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, việc chuyển đổi số cũng được bà con nông dân áp dụng trong các khâu sản xuất. Điển hình tại cơ sở ấp nở trứng gia cầm của gia đình anh Phạm Văn Trường, ở xóm Tiến Bộ, xã Dương Thành (Phú Bình), việc điều khiển, giám sát nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, cường độ ánh sáng đều được vận hành bằng hệ thống công nghệ thông minh tự động và bán tự động, kết nối với điện thoại, máy tính.
Anh Trường chia sẻ: Nếu nhiệt độ ngoài trời tăng cao, hệ thống làm mát trong chuồng sẽ tự động bật, còn khi nhiệt độ xuống thấp, hệ thống quạt tự động giảm dần. Đối với hệ thống bạt chắn xung quanh chuồng, tôi có thể điều khiển mở ra hoặc đóng vào qua thao tác trên điện thoại thông minh. Việc ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất đã giúp gia đình tôi tiết kiệm được chi phí về nhân công, đồng thời, quản lý quá trình sản xuất được tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng con giống, tránh được rủi ro, thiệt hại về kinh tế. Với 20.000 con gà mẹ và 17 lò ấp, trung bình mỗi năm, gia đình anh Trường xuất bán trên 1 triệu con giống, thu về hơn 1 tỷ đồng.
Trang trại của Công ty TNHH Hải Anh, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động theo công nghệ Israel, giúp giảm chi phí công lao động.
Đối với trang trại của Công ty TNHH Hải Anh, ở xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên), việc ứng dụng công nghệ cũng được đơn vị chú trọng. Anh Nguyễn Tiến Anh, Giám đốc Công ty, cho hay: Trang trại hiện đang trồng các loại cây như: Dâu tây, cà chua, dưa hấu, dưa lê, dưa chuột… theo phương pháp hữu cơ. Để hạn chế cỏ dại, chúng tôi tiến hành che phủ ni-lon trên bề mặt luống, đồng thời, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động theo công nghệ Israel. Với phương pháp này, cây sẽ được tưới quanh gốc theo một lượng vừa đủ, không gây xói mòn hoặc cuốn trôi lớp phân bón trên đất, giúp tiết kiệm thời gian và công sức lao động.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều hộ nông dân, doanh nghiệp, HTX đã chủ động thay đổi phương thức sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, dần bắt nhịp với công cuộc chuyển đổi số. Nhờ vậy, chất lượng sản phẩm rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm tại nhiều nông trại, HTX trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên. Hiện, toàn tỉnh có hơn 2.630ha rau, quả, chè, lúa với sản lượng 155.500 tấn/năm và 92 trang trại chăn nuôi lợn, gà với sản lượng 73.400 tấn/năm được chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Một số mặt hàng nông sản đã xây dựng được thương hiệu, có thị trường tiêu thụ ổn định như: Chè của HTX chè Hảo Đạt, miến của HTX miến Việt Cường, nấm của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia…
Đồng hành cùng người nông dân trong quá trình chuyển đổi số, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Thái Nguyên đã tăng cường thông tin về tiềm năng và định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh; quy hoạch phát triển các vùng sản xuất tập trung; cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn… đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT, tích hợp trên ứng dụng C-ThaiNguyen. Cùng với đó, Sở triển khai xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu cho trên 500 doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; gồm các thông tin về quy mô, quy trình sản xuất, hồ sơ tự công bố sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua các chương trình, đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP, thương mại điện tử…
Đặc biệt, hơn 2 năm qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến khâu tiêu thụ sản phẩm, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua các sàn giao dịch điện tử. Theo đó, đã có 55.000 hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ mở gian hàng với khoảng 1.500 sản phẩm được bán trên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, 132 doanh nghiệp, HTX được hỗ trợ đăng ký mã số, mã vạch và website quảng bá sản phẩm; 129 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các nền tảng như: C-ThaiNguyen, VnPost, Voso, Sendo, Lazada, Shopee...
Nhờ tập trung chuyển đổi số nên thời gian qua, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều chuỗi tiêu thụ nông sản bị đứt gãy, một số địa bàn bị phong tỏa, cách ly nhưng hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn diễn ra bình thường, các sản phẩm nông sản của Thái Nguyên vẫn được tiêu thụ ổn định, không bị ứ đọng. Qua đó, góp phần tích cực hoàn thành thắng lợi, toàn diện các chỉ tiêu nhiệm vụ về nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu thông tin của ngành để giúp người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận và áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm; tập trung chuyển giao ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và quản lý chất lượng nông sản, nhất là cung cấp thông tin về mã số vùng trồng, vùng nuôi, tem truy xuất để minh bạch nguồn gốc và thúc đẩy tiêu thụ nông sản…