Theo chia sẻ của nhiều người dân, hiện nay, ở thị trường Thái Nguyên vẫn xuất hiện tràn lan các loại thực phẩm không đảm bảo an toàn do làm dụng thuốc kích thích tăng trưởng trong trồng trọt; cám tăng trưởng trong chăn nuôi; những hóa chất cấm trong chế biến nông, lâm thủy sản và sử dụng loại chất tẩy rửa thịt, cá ôi thối…
Bởi vậy, nhiều người khá thận trọng khi mua thực phẩm. Lựa chọn những cơ sở kinh doanh uy tín để mua thực phẩm chính là giải pháp của nhiều người dân. Do đó, khoảng 6 năm nay, Cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch – Phú Sơn Food trên đường Bắc Sơn (TP. Thái Nguyên) đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều “bà” nội trợ.
Bà Nguyễn Thị Hải, có địa chỉ tại tổ 10, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), khách hàng thường xuyên của Cửa hàng, chia sẻ: Ba năm trước, tôi khá dễ dãi trong việc mua thực phẩm, cứ gặp đâu mua đó. Vì vậy, gia đình tôi đã có lần bị ngộ độc thực phẩm do ăn phải rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực phẩm cao. Sau lần đó, khi mua thực phẩm, tôi không qua loa đại khái như trước nữa mà chỉ chọn những cửa hàng kinh doanh thực phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP… như Phú Sơn Food để mua hàng. Nhờ đó, chất lượng các bữa ăn của gia đình tôi được nâng lên, đảm bảo các tiêu chí, ngon, sạch, an toàn, tốt cho sức khỏe…
Không riêng gì bà Hải, nhiều người tiêu dùng cũng đã tự bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình bằng cách mua thực phẩm ở những cửa hàng có uy tín và “tẩy chay” những nơi bán hàng kém chất lượng.
Chị Dương Thị Thanh ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) cho hay: Tuy không thể phân biệt thực phẩm “bẩn” và “sạch” bằng mắt thường nhưng tôi có thể cảm nhận độ an toàn của sản phẩm qua những món ăn đã được chế biến. Ví như rau muống, nếu bón nhiều phân đạm và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cao, khi luộc lên, nước đen kịt, mùi rất khó chịu, trong khi nước luộc của rau “sạch” vừa trong, vừa xanh. Tương tự, thịt lợn “sạch” sau chế biến thường có mùi thơm chứ không có mùi hoi khó chịu như thịt lợn nuôi bằng cám tăng trọng…
Có thể thấy, trước những nguy cơ về thực phẩm “bẩn” ảnh hưởng đến sức khỏe, nhiều người dân trong tỉnh đã tự nâng cao ý thức, trở thành người tiêu dùng thông thái khi lựa chọn các sản phẩm “sạch” phục vụ cho các bữa ăn của gia đình.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận mà đưa ra thị trường không ít thực phẩm “bẩn”, nhất là các loại rau, củ, quả, gạo, thịt... Minh chứng rõ nét nhất là trong năm 2021, các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành thanh, kiểm tra và phát hiện hơn 600 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm với các lỗi như: Chế biến, kinh doanh thực phẩm ở môi trường vệ sinh không đảm bảo; điều kiện vệ sinh chung tại cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa đạt yêu cầu; sản xuất, chế biến sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng…
Do đó, để ngăn chặn thực phẩm “bẩn” một cách triệt để thì ngoài việc nâng cao nhận thức trong quá trình tiêu dùng, mỗi người dân cần nêu cao tinh trần trách nhiệm khi phát hiện những hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Lý Văn Cảnh, Trưởng Phòng An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) cho rằng: Khi phát hiện các hành vi vi phạm, người dân nên báo với cơ quan có thẩm quyền thì các vi phạm mới được giải quyết kịp thời. Đây vừa là biện pháp răn đe, vừa là hình thức ngăn chặn thực phẩm “bẩn” có mặt trên thị trường, từ đó góp phần bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.