Hội nghị lần này do Mỹ - nước Chủ tịch hội nghị lần thứ nhất - đồng chủ trì cùng nước Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) là Đức, nước Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) Indonesia, nước Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) Senegal và nước Chủ tịch của Cộng đồng Caribe (CARICOM) Belize.
Phát huy những thành quả đạt được tại hội nghị lần đầu (tháng 9-2021), hội nghị lần thứ hai tập trung thảo luận bốn mục tiêu chính: Điều chỉnh cường độ cho phản ứng toàn cầu, tiêm chủng cho thế giới, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương nhất và ngăn ngừa các thảm họa trong tương lai. Đây là những vấn đề thiết thực trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhiều khu vực hiện chưa thể tiếp cận đầy đủ nguồn cung vắc-xin, ô xy y tế và trang thiết bị bảo hộ cá nhân… Một số nước thu nhập thấp chỉ có thể duy trì tần suất xét nghiệm COVID-19 ở mức 5 xét nghiệm/100.000 dân/ngày, thấp hơn nhiều mục tiêu 100 xét nghiệm/100.000 dân/ngày. Nôn nóng mở cửa trở lại nền kinh tế còn dẫn tới hiện tượng buông lỏng công tác phòng dịch ở nhiều nơi.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu đạt được nhiều tiến bộ và việc bàn giao trang thiết bị y tế đến các quốc gia có nhu cầu cấp bách đã tiến triển, song cảnh báo đại dịch chưa qua nên các nước đều phải tăng cường hành động, dồn hết sức lực để ngăn được càng nhiều ca tử vong vì dịch COVID-19 càng tốt. Quan điểm này được hội nghị tán thành, nhấn mạnh công tác chống dịch vẫn phải là “ưu tiên quốc tế”. Các ý kiến cũng chỉ ra sự cần thiết của nỗ lực toàn cầu nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế do dịch COVID-19 gây ra...
Với quyết tâm chung sớm đẩy lùi đại dịch, Hội nghị tiếp tục nhận được những cam kết đóng góp tài chính lên tới 3,2 tỷ USD - vượt xa các cam kết trước đó, trong đó các tổ chức phi chính phủ, nhà hảo tâm và lĩnh vực tư nhân cam kết đóng góp hơn 700 triệu USD. Dự kiến, hơn 2,5 tỷ USD trong số này sẽ phân bổ cho các hoạt động ứng phó trực tiếp với dịch COVID-19. Khoảng 712 triệu USD dành bổ sung cho quỹ chuẩn bị ứng phó với các đại dịch trong tương lai và bảo đảm an ninh y tế toàn cầu do Ngân hàng Thế giới (WB) quản lý.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng cam kết chia sẻ các công nghệ được sản xuất vắc-xin phòng COVID-19 thông qua WHO, trong khi Nhật Bản, Pháp, Thái Lan, Indonesia… khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng năng lực sản xuất vắc-xin phục vụ nhu cầu trong nước và quốc tế. Thụy Điển cho biết sẽ điều động lực lượng chuyên gia y tế để hỗ trợ củng cố hạ tầng y tế toàn cầu, thúc đẩy các chính sách ứng phó với đại dịch.
Tổng Thư ký Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) Jagan Chapagain nhấn mạnh, cam kết của mạng lưới trong việc cung cấp vắc-xin, xét nghiệm và phương pháp điều trị COVID-19 cho những người dễ bị tổn thương nhất và xây dựng lại hệ thống y tế mạnh mẽ hơn.
Thống nhất với quan điểm chung của hội nghị, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom cũng cảnh báo về việc đại dịch chưa hoàn toàn kết thúc. Do đó, giờ không phải là lúc thế giới nghỉ ngơi, mà cần gia tăng nỗ lực tiến tới đặt dấu chấm hết cho những thiệt hại mà dịch COVID-19 gây ra với nhân loại.