Từng một thời cầm súng chiến đấu vì độc lập dân tộc, khi đất nước hòa bình, tháng 1-1991, CCB Nguyễn Đức Hùng trở về địa phương sinh sống với một phần cơ thể bị thương (tỷ lệ thương tật 61%) và đối diện với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Trong xóm nhỏ Ao Chè, nhà ông Hùng là hộ sản xuất nông nghiệp thuần túy, thuộc diện kinh tế eo hẹp. Trải qua năm tháng, vợ chồng ông Hùng cùng nhau bươn chải, xoay đủ thứ nghề để kiếm sống, từ trồng ngô, cấy lúa, sao chè, rồi nuôi lợn, gà và cả buôn bán nhỏ lẻ... Nhận thấy gia đình sẵn có diện tích đất vườn đồi khoảng 10.000m2, ông luôn trăn trở làm thế nào tận dụng để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Ông Hùng đã đi tìm tòi, nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm làm ăn, học hỏi các mô hình phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình.
Sau thời gian tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở nhiều nơi, năm 2008, ông đã quyết định đưa cây bưởi Diễn về trồng trên đất Văn Hán. Năm 2012, ông cải tạo khu đất của gia đình, trồng cây ăn quả với 120 gốc bưởi Diễn, còn lại là bưởi da xanh và bưởi đỏ.
Nhớ lại thời điểm đó, ông Hùng tâm sự: Khi trồng đại trà cây bưởi, tôi gặp không ít khó khăn về kỹ thuật chăm sóc. Bởi mỗi giống cây lại có cách chăm bón khác nhau. Sau đó, tôi phải tìm về Viện cây ăn quả tham quan và tham gia nhiều lớp tập huấn riêng về trồng bưởi. Đến nay tôi nắm khá rõ kỹ thuật chăm sóc, thâm canh loại cây này và từng bước chăm sóc cây theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ. Đồng thời, tôi cũng xây dựng hệ thống tưới nước tự động tận gốc cây. Với phương pháp này, năng suất quả bưởi tuy đạt không cao nhưng điểm nổi bật nhất là không làm ảnh hưởng môi trường và đặc biệt là chất lượng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Năm 2015, 120 gốc bưởi của gia đình ông Hùng đã cho nguồn thu nhập đầu tiên, tuy còn rất khiêm tốn với chỉ vài triệu đồng. Đến năm 2020, nguồn thu nhập từ bán bưởi của gia đình chưa vượt ngưỡng 20 triệu đồng/vụ, nhưng ông Hùng đã tự tin khẳng định chất lượng quả bưởi trồng trong vườn nhà không thua kém bất cứ vùng trồng bưởi nào tại Thái Nguyên. Ngoài trồng cây ăn quả, gia đình ông còn nuôi gà dưới tán cây cho thu nhập từ 16-18 triệu đồng/năm; thu mua chè khô bán cho các đầu mối… Tổng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, dịch vụ và ngành nghề khác của gia đình ông Hùng hiện đạt trên 350 triệu đồng/năm. Với nguồn thu nhập trên, vợ chồng ông đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, mua sắm được các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, nuôi dạy các con nên người.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, CCB Nguyễn Đức Hùng còn nhiệt tình giúp đỡ, chỉ dẫn bà con trong xóm kinh nghiệm trồng bưởi Diễn. Ông đã đứng ra thành lập HTX bưởi Văn Hán với 10 xã viên, trong đó có tới 8 xã viên là hội viên Hội CCB. Với vai trò là Giám đốc HTX bưởi Văn Hán, ông đã cùng Ban Giám đốc xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh cho từng năm. Những năm đầu, HTX tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc cây bưởi trong giai đoạn kiến thiết cơ bản và giai đoạn kinh doanh cho xã viên. Những năm tiếp theo, ông cùng các xã viên quyết tâm xây dựng HTX phát triển theo chiều sâu, tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế hợp tác; thực hiện đăng ký về an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nhãn mác, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm trên thị trường.
Ông Hùng chia sẻ: Bản thân tôi là thương binh nên rất hiểu và đồng cảm với những người đồng đội, đồng ngũ ở quê hương mình. Tôi luôn tâm niệm phải hết sức nỗ lực để góp phần cùng đồng đội đưa thương hiệu của HTX đi xa hơn nữa.
Dù đã quá tuổi lục tuần - cái tuổi có thể nghỉ ngơi, an nhàn bên con cháu nhưng quyết tâm cũng như những thành công của CCB Nguyễn Đức Hùng đã chứng minh một điều: Khởi nghiệp không khi nào là muộn!