Theo đó, tỉnh vẫn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, đó là khi trên địa bàn xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng cao. Ở tình huống này, công tác chuẩn bị nguồn nhân lực, vật lực phục vụ cho cứu chữa người bệnh được các cấp, ngành chức năng tính toán khá kỹ lưỡng.
Ông Hà Đức Trịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên cho rằng: Tình huống này được đưa ra để người dân nêu cao cảnh giác, không chủ quan với dịch bệnh, thực hiện nghiêm thông điệp 5K nhằm bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Ngoài ra, Thái Nguyên cũng đã đưa ra tình huống chủng virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục tiến hóa nhưng nhờ đạt được miễn dịch nên số trường hợp nặng, tử vong giảm dần, các ổ dịch không còn nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến chủng mới nhưng ít nghiêm trọng hơn. Với kinh nghiệm chống dịch hơn 2 năm qua, đặc biệt là kinh nghiệm ứng phó với làn sóng dịch lớn nhất từ trước tới nay, kéo dài từ tháng 11-2021 đến đầu tháng 4-2022, việc ứng phó với tình huống này của tỉnh được xử trí khá tương đồng với các tình huống trong thời gian vừa qua.
Ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế nói: Thái Nguyên vẫn luôn chủ động xây dựng các tình huống để có thể ứng phó linh hoạt với các làn sóng mới của dịch. Những ngày gần đây, ngoài việc giảm mạnh số ca mắc mới, Thái Nguyên không xuất hiện các trường hợp tử vong do mắc COVID-19. Các cấp, ngành chức năng đều khẳng định, có được kết quả này là do chúng ta đã làm tốt công tác rà soát, nhanh chóng tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho những trường hợp chưa tiêm và bổ sung, tăng cường kịp thời mũi tiêm cho các trường hợp đã tiêm 1 mũi hoặc đủ liều cơ bản; triển khai nhanh gọn việc tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến 17 tuổi.
Đặc biệt, Thái Nguyên còn đẩy nhanh tiến độ tiêm cho những người yếu thế (không có khả năng đi lại, khuyết tật…) ngay tại nhà; những người dễ bị tổn thương và nhóm nguy cơ cao như: Người mắc bệnh nền khó kiểm soát, suy thận mạn tính… Nhờ đó, chúng ta không bỏ sót đối tượng, tất cả người dân trong tỉnh đều được tiếp cận các dịch vụ y tế…
Qua chia sẻ của ông Đỗ Trọng Vũ, chúng tôi được biết, hiện nay, Thái Nguyên đang là tỉnh có kết quả tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cao trong cả nước. Đến thời điểm này, toàn tỉnh thực hiện được khoảng 2,8 triệu mũi tiêm. Trong đó, gần 100% số người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm 2 mũi vắc-xin; gần 98% trẻ từ 12 đến 17 tuổi được tiêm 2 mũi vắc-xin; khoảng 23% số trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm mũi 1.
Như vậy có thể thấy, hướng tới quản lý dịch bệnh bền vững, Thái Nguyên đã đưa ra giải pháp rất phù hợp khi tiếp tục coi vắc-xin là biện pháp hữu hiệu trong việc giảm nguy cơ ca bệnh chuyển nặng và tử vong. Ngoài ra, tỉnh cũng đã có phương án chuẩn bị điều kiện cần và đủ để đảm bảo năng lực đáp ứng của hệ thống y tế khi ca bệnh chuyển nặng trên địa bàn tăng cao.
Từ đợt dịch lớn nhất, kéo dài hơn 4 tháng qua cho thấy, y tế Thái Nguyên đã trụ vững trong đợt cao điểm khi có thể đáp ứng hơn 500 ca bệnh chuyển nặng/ngày. Bởi vậy, thực hiện mục tiêu phòng, chống dịch trong tình hình mới, tỉnh đã yêu cầu các địa phương, các bệnh viện chủ động mua thuốc điều trị; phân bổ, hỗ trợ kịp thời thuốc điều trị cho các địa phương; đối với các loại thuốc thiết yếu, có cơ số dự phòng phù hợp cho tình huống dịch bệnh diễn biến xấu… theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế.