Cập nhật: Thứ sáu 20/05/2022 - 09:06
Con đường mang tên Bác đoạn qua huyện Định Hóa đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ảnh CTV
Con đường mang tên Bác đoạn qua huyện Định Hóa đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ảnh CTV

Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Định Hóa được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng lựa chọn làm an toàn khu (ATK). Tự hào quê hương giàu truyền thống, đồng bào các dân tộc Định Hóa đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, cùng làm nên diện mạo mới trên quê hương cách mạng - Thủ đô gió ngàn.

Đã 75 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về Định Hóa lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Những tên đất, tên làng trên Thủ đô gió ngàn đọng lại thành sử xanh. Núi rừng Định Hóa mênh mông mang trong đó một quần thể di tích lịch sử nổi tiếng.

Trên ngọn đồi Khau Tý (xã Điềm Mặc), bên ngôi nhà sàn bưng liếp nứa, mái lợp lá rừng, anh Ma Văn Tâm, hướng dẫn viên văn hóa Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, giới thiệu: Đây là điểm đầu tiên Chủ tịch Hồ chí Minh dừng chân ở Định Hóa để lãnh đạo kháng chiến. Người đã ở, làm việc trong ngôi nhà đơn sơ này từ ngày 20-5/1947 đến 11/10/1947. Tại đây, Bác viết cuốn “Sửa đổi lối làm việc” với bút danh X.Y.Z; quyết định lấy ngày 27/7/1947 làm Ngày Thương binh toàn quốc, sau này trở thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ Việt Nam… Đặc biệt, từ mái lán đơn sơ ở Khau Tý, Người chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp đánh lên căn cứ địa Việt Bắc.

Trong 9 năm làm “nên thiên sử vàng”, Người đã chuyển qua nhiều chỗ ở khác nhau. Từ đồi Khau Tý vào rừng Khuôn Tát, ra đồi Tỉn Keo… Ở những nơi đó, Người đã ban hành các quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh đất nước. Nặng tình với Thủ đô gió ngàn nên sau ngày Điện Biên phủ toàn thắng Chủ tịch Hồ Chí Minh 7 lần trở lại Thái Nguyên. Người động viên cán bộ, nhân dân đoàn kết, ra sức phấn đấu “Làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc”.

Du khách thăm lán Khuôn Tát (Phú Đình), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc trong những năm kháng chiến (1947-1954).

Vâng lời Bác, đồng bào các dân tộc huyện Định Hóa luôn phát huy truyền thống đoàn kết, anh hùng trong kháng chiến, kiên cường trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương. Bằng cách tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và sự đồng thuận của người dân, quê hương ATK Định Hóa đang khởi sắc lên từng ngày. Đường bê tông đã về đến trung tâm các xóm, bản vùng sâu, vùng xa. Nhờ được tiếp cận thông tin đa chiều, lòng người được mở mang, tư duy kinh tế nông nghiệp được thể hiện bằng hiệu quả sản xuất theo hướng hàng hóa.

Một điểm thú vị có thể nhìn thấy ở Thủ đô gió ngàn là giao thương từ chỗ tẻ nhạt dần chuyển sang sôi động. Các sản phẩm nông, lâm nghiệp của đồng bào được quảng bá rộng rãi trên mạng xã hội và tại nhiều gian hàng trên cả nước.

Từ các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước đầu tư cho xây dựng hạ tầng cơ sở, vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho đồng bào vay phát triển kinh tế, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cho đồng bào tham gia chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống đã mở ra cho vùng đất gió ngàn ATK Định Hóa nhiều cơ hội mới. Trong đó có phát triển chăn nuôi trang trại, đưa cây lúa bao thai đặc sản vào gieo cấy đại trà, trồng cây quế trên đồi thế chỗ cây vườn tạp.

Cán bộ, nhân dân huyện Định Hóa trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chế biến chè chất lượng cao.

Bên cạnh đó, xây dựng, nâng cấp hạ tầng cơ sở là một trong những nhiệm vụ được coi trọng hàng đầu ở Định Hóa. Riêng từ Chương trình 135, trong 5 năm gần đây, Định Hóa có hơn 300 công trình xây dựng mới, gần 100 công trình được duy tu, bảo dưỡng với tổng kinh phí hơn 131 tỷ đồng. Cùng đó là 138 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững được triển khai cho gần 6.400 lượt hộ, với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng.

Hiện thu nhập bình quân của người dân Định Hóa đạt 46 triệu đồng/người/năm.  Số hộ nghèo giảm còn 5% (năm 2016 là 20% hộ nghèo). 11/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 11 tiêu chí trở lên. Huyện Định Hóa đang quyết tâm phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023, với tổng kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới dự kiến hơn 1.900 tỷ đồng.

Một hình ảnh sống động là từng đoàn người trên mọi miền đất nước tụ hội về ATK Định Hóa, dâng hương tưởng nhớ công ơn vị Cha già dân tộc. Rồi những chuyến xe xuôi - ngược của các công ty trong, ngoài tỉnh về đưa đón người lao động. Họ là con em của Định Hóa sau đào tạo nghề, đã có nghề mới và mang tiền về xây dựng quê hương.

Từ hơn 3 năm trở lại đây, Định Hóa phối hợp với Công ty TNHH Samsung Electronis Việt Nam - Thái Nguyên và các doanh nghiệp phụ trợ ưu tiên tuyển dụng lao động là con em hộ nghèo, hộ cận nghèo vào làm việc. Toàn huyện đang có hơn 1.200 người làm việc tại các khu công nghiệp ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Dương, với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng, cá biệt có trường hợp đạt 15 triệu đồng/người/tháng.

Tất cả hướng về nhân dân, ưu tiên hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào người dân tộc thiểu số. Với tinh thần dân chủ, khách quan, kiên quyết không để xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, chúng ta tin tưởng Định Hóa tiếp tục gặt hái được thành quả lớn hơn trong phát triển kinh tế, xã hội, xứng đáng là ATK Thủ đô gió ngàn.

Phạm Ngọc Chuẩn