Hành trình tìm trái ngọt
Cách nay hơn 30 năm, cây na bắt đầu được đưa về trồng trên đất La Hiên (Võ Nhai). Vốn chỉ quen với cấy lúa, trồng ngô nên hồi ấy, người nông dân La Hiên đã rất bỡ ngỡ với loại cây trồng mới mẻ này. Vậy nhưng, thổ nhưỡng của vùng núi đá ở mảnh đất La Hiên lại vô cùng thích hợp để giống na dai cắm rễ, lên xanh, đơm hoa, kết trái, mang về những vụ quả chín thơm và cuộc sống no ấm cho người dân vùng núi còn nhiều gian khó.
Bà Trương Thị Tình, ở xóm Xuân Hòa, xã La Hiên, một trong những người đầu tiên đưa cây na dai về La Hiên cho hay: Thời điểm ấy, gia đình tôi chỉ mong loại cây này phát triển tốt, cho nhiều trái để có thêm thu nhập chứ không nghĩ cây na dai có thể phát triển rộng khắp và trở thành cây trồng chủ lực ở La Hiên.
Qua bao tháng năm, người trồng na ở La Hiên đã phát triển loại quả này trở thành thứ đặc sản được nhiều người ưa thích. Từ trồng na, số hộ có thu nhập 200 đến 400 triệu đồng/năm ở La Hiên đã trở nên phổ biến như gia đình chị Trần Thu Hương, xóm Hiên Minh; chị Hoàng Thị Linh, xóm La Đồng...
Đáng mừng hơn, sau thành công của những người trồng na dai ở La Hiên, loại cây trồng này đã phát triển sang xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) và các xã Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá, Dân Tiến… (Võ Nhai). Đến nay, Thái Nguyên đã có khoảng 500ha na, tập trung chủ yếu ở Võ Nhai, trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân.
Theo nhẩm tính của người trồng na ở Đồng Hỷ, Võ Nhai, trung bình mỗi héc ta na dai cho thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng, gấp 3 lần so với cấy lúa. Do đó, hơn chục năm trở lại đây, nhiều người dân ở các xã nằm ven dãy núi đá vôi của Võ Nhai đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cấy lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng na dai.
Nhằm mang đến cho thị trường sản phẩm tốt nhất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá bán cao, 3 năm trở lại đây, người dân ở Đồng Hỷ, Quang Sơn còn trồng na theo hướng hữu cơ. Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Văn Hiền, xóm Hiên Bình, La Hiên, với kinh nghiệm trồng, chăm sóc na hơn 30 năm nay, ông đã chuyển 1ha na của gia đình sang sản xuất theo hướng hữu cơ, mỗi năm thu về 10 tấn quả, thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Hay như HTX La Hiên với gần 10 hộ thành viên tham gia đã tạo ra vùng sản xuất na theo hướng hữu cơ lên đến hàng chục héc ta…
Thường thì sau thu hoạch, cây na chỉ còn lại những tán lá xanh. Khi mùa Đông đến, tiết trời lạnh giá (khoảng cuối tháng 11 và tháng 12), người trồng na bắt đầu cắt ngọn, đốn tỉa những cành, những lá của na. Trong cái lạnh thấu xương, những chiếc lá và cành cây bị sâu bệnh, nấm đều được tỉa sạch sẽ, giúp cây tích trữ được năng lượng để bắt đầu cho một mùa đậu quả mới.
Quy trình chăm sóc này đã lý giải vì sao khi mùa Đông tới, những rừng na nằm hai bên Quốc lộ 1B, đoạn từ xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) kéo dài lên đến các xã La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng (Võ Nhai) chỉ còn trơ lại những gốc khẳng khiu.
Sau những ngày “ngủ” Đông, khi mưa Xuân giăng mắc trong nhà, ngoài ngõ, tưới tắm cho những gốc cây na khẳng khiu, từng mầm cây bắt đầu nhú lên xanh non trông thật thích mắt. Loáng cái, đến giữa tháng 4, những mầm cây bé xíu ngày nào đã tỏa thành những tán lá xanh tốt. Vài tuần sau, xen kẽ trong tán lá, những nụ hoa bắt đầu xuất hiện hứa hẹn một vụ mùa quả mới.
Thu nhập từ trồng na dai đã mang lại cuộc sống khấm khá cho nhiều hộ dân ở xã La Hiên (Võ Nhai).
Đến cuối tháng 7, đầu tháng 8, những rừng na cho lứa quả chín đầu tiên. Đây chính là thời điểm người trồng na mong chờ nhất bởi sau bao ngày vất vả, họ đã bắt đầu có thu nhập. Hiện nay, người dân đã áp dụng khoa học vào sản xuất nên vụ thu hoạch na thường được kéo dài hơn. Với những đồi na được chăm bón để ra hoa, kết trái sớm hoặc muộn thì kỳ thu hoạch thường vào cuối tháng 7 (vụ sớm) hoặc cuối tháng 9, đầu tháng 10 (vụ muộn). Thời điểm này, mỗi kg na có thể bán với giá cao gấp đôi lứa na vào chính vụ.
Tình yêu với cây na
Qua bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, cây na cứ tuần tự trổ búp, đơm hoa, kết trái... Để có những trái na dày múi, ngọt thơm, người nông dân ở xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) và các xã trồng nhiều na dai ở Võ Nhai đã phải vất vả, một nắng hai sương chăm bẵm cho na.
Chị Chu Thị Quy ở xóm Hiên Minh (xã La Hiên) nói: Quá trình chăm sóc từ sau thu hoạch quả cho đến khi những cây na cho lứa quả mới không hề đơn giản. Muốn cho năng suất cao, cây na rất cần có nhiều cành và tán rộng. Chính vì thế việc tỉa cành, tạo tán, đốn ngọn đúng kỹ thuật cho cây là điều khá quan trọng. Thời điểm này, chúng tôi thường bổ sung dinh dưỡng cho cây. Đây được xem là bước đặt “nền móng”, tạo cơ sở vững chắc cho cây phát triển về sau. Lúc này có thể bón cho cây phân NPK (có chứa thêm các yếu tố vi lượng). Hàm lượng NPK có thể là 10-10-20, 19-19-19 hoặc 10-10-10…
Ở thời điểm na ra hoa, người dân ở Đồng Hỷ, Võ Nhai không bao giờ cung cấp dinh dưỡng cho cây. Chị Quy cho biết thêm: Chúng tôi tuyệt đối không bón phân, tưới nước hoặc tác động bất kỳ điều gì đến cây ở giai đoạn này. Kể cả khi cây bị các loại sâu bệnh tấn công nhưng ở dưới ngưỡng gây hại thì chúng tôi vẫn không sử dụng thuốc cho cây. Trong trường hợp xấu nhất như sâu bệnh gây hại mạnh, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoa thì mới sử dụng các loại thuốc phun cho cây.
Đi qua những mùa na, không ít cây đã trở nên già cỗi, cho năng suất thấp. Vì thế, người trồng na không chỉ mạnh dạn nghiên cứu phương pháp tỉa cành, tạo tán, đốn ngọn mà còn thụ phấn cho na bằng tay. Theo đó, vào mùa hoa nở, người trồng na cầm xi lanh đến từng nhụy hoa, lấy phấn từ những nhụy hoa to, tỷ mỷ đến từng nhụy hoa khác để thụ phấn.
Phương pháp đốn ngọn, tỉa cành và thụ phấn nhân tạo theo cách người nông dân ở Đồng Hỷ và Võ Nhai đã thực hiện nhiều năm nay mang lại tỷ lệ đậu quả đạt trên 98 %, năng suất cao hơn, quả na chín sớm, dễ bán; cây thấp nên việc phun thuốc trừ sâu và thu hái thuận lợi hơn.
Trong trồng trọt, phòng, trừ sâu bệnh hại cho cây đóng một vài trò rất quan trọng. Ở cây na có một số bệnh thường gặp như: Thối rễ, đục thân, đục quả, ráp phấn… Đặc biệt là bệnh thán thư - một bệnh khá nguy hiểm, gây đen trái khi na mắc phải, làm ảnh hưởng đến chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Bởi vậy, chị Hoàng Thị Linh ở xóm La Đồng (xã La Hiên) cho rằng: Để có những vụ quả chín thơm, năng suất cao, chất lượng tốt, chúng tôi phải thường xuyên theo dõi sự phát triển của cây để phát hiện và phòng, chống các bệnh trên cây kịp thời.
Có thể thấy, mỗi công đoạn chăm sóc cho cây na đều mang trong đó tình yêu, sự nâng niu của người trồng. Với họ, mỗi cây na đơm hoa, kết trái được ví như môt người mẹ vất vả, cực nhọc từ lúc mang thai cho đến khi sinh ra đứa con yêu thương. Vì thế nông dân luôn chăm sóc rừng na như sinh mạng của chính mình vậy. Có lẽ, ngoài sự ưu ái của thổ nhưỡng, khí hậu; sự tận tâm trong vun trồng, chăm sóc thì tình cảm của người và cây chính là kết tinh để na dai trở thành thứ đặc sản nổi tiếng của mảnh đất Thái Nguyên.