Cập nhật: Thứ hai 30/05/2022 - 07:32
Lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên khai thác thủy lợi Thái Nguyên kiểm tra việc vận hành tràn xả lũ hồ Núi Cốc.
Lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên khai thác thủy lợi Thái Nguyên kiểm tra việc vận hành tràn xả lũ hồ Núi Cốc.

Hồ Núi Cốc là công trình trọng điểm cấp Quốc gia. Ngoài nhiệm vụ cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, cấp nước thô cho các nhà máy nước sạch, hồ còn có chức năng điều tiết, phòng lũ. Chính vì vậy, việc đánh giá hiện trạng công trình, cập nhật phân tích và đưa ra các giải pháp vận hành an toàn trong mùa mưa bão luôn được Công ty TNHH Một thành viên khai thác thủy lợi Thái Nguyên - đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý hồ, đặc biệt chú trọng. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên khai thác thủy lợi Thái Nguyên về việc thực hiện nhiệm vụ này.

P.V: Trước hết, ông có thể cho biết hiện trạng công trình hồ Núi Cốc trong mùa mưa bão năm nay?

Ông Nguyễn Công Thịnh: Công trình đầu mối hồ Núi Cốc gồm 1 đập chính, 6 đập phụ, 2 tràn xả lũ và cống lấy nước. Trước mùa mưa bão năm nay, Công ty đã tiến hành kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng các hạng mục công trình đầu mối, nhất là các công trình thủy công, hạng mục thiết bị cơ khí. Kết quả cho thấy, hiện các công trình ở khu vực đầu mối hiện vẫn hoạt động bình thường nhưng do vận hành lâu năm nên tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi do xuống cấp; cống lấy nước, thiết bị cơ khí vận hành lạc hậu, chỉ đáp ứng an toàn với diễn biến thời tiết mưa lũ bình thường, nếu xảy ra các tình huống bất thường, mưa lũ dồn dập vượt tần suất thiết kế sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Đặc biệt là khi xảy ra lũ đột xuất, vượt tần suất thiết kế, nước dâng cao đột ngột phía thượng lưu làm ngập lụt thượng lưu, áp lực cao đối với các công trình thủy công như: Đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước,các thiết bị cơ khí như cánh cống, cáng tràn và các thiết bị điện... Ngoài ra, các thiết bị cơ khí đang bị ôxy hóa, nếu không được xử lý kịp thời sẽ ngày càng xuống cấp hoặc để kéo dài sẽ hư hỏng khiến khả năng đáp ứng yêu cầu vận hành thấp, khó đảm bảo an toàn công trình trong mọi tình huống.

P.V: Vậy, Công ty đã triển khai phương án phòng chống chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Công Thịnh: Mùa mưa bão năm nay, diễn biến thời tiết được dự báo khó lường, có thể xuất hiện mưa lớn kéo dài, nhiều khả năng nước sẽ dâng cao đột ngột gây ngập lụt thượng lưu và áp lực xả nước gây ngập úng hạ lưu trong thời gian ngắn.

Vì vậy, để chủ động ứng phó với thời tiết bất thường, chúng tôi đã đề xuất thành lập, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn hồ Núi Cốc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Đồng thời, triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh đến cán bộ, nhân viên, người lao động; có văn bản đề nghị các địa phương triển khai đến người dân nâng cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai.

Trong những ngày mưa bão, Công ty bố trí lực lượng trực ban 24/24 giờ, phân công cán bộ kỹ thuật có năng lực, kinh nghiệm trực tiếp quản lý, vận hành và thường xuyên cập nhật, báo cáo hiện trạng công trình, diễn biến mực nước, lượng mưa 4 lần/ngày, khi có mưa lũ lớn cập nhật 1 tiếng/lần để có biện pháp xử lý kịp thời. Cùng với đó, Công ty cũng chuẩn bị về vật tư, phương tiện phục vụ công tác phòng chống thiên tai, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

P.V: Thực tế, trong những ngày trời mưa to, nước tràn về nhanh, việc vận hành khẩn cấp tràn xả lũ hồ Núi Cốc là điều không thể tránh khỏi. Vậy, Công ty đã có giải pháp gì để góp phần đảm bảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân vùng hạ du? 

Ông Nguyễn Công Thịnh: Trước mùa mưa lũ, Công ty đã có văn bản gửi các địa phương liên quan (gồm huyện Đại Từ và các thành phố Thái Nguyên, Phổ Yên, Sông Công), đề nghị triển khai đến người dân để cảnh giác cao và sẵn sàng chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, lũ lụt có thể xảy ra.

Trong những ngày trời mưa to, Công ty đề nghị các tổ chức, cá nhân chủ động trong sản xuất, sinh hoạt, không thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, gieo cấy trong khu vực lòng hồ và vùng bán ngập từ cao trình +46,2m đến +48,25m. Bởi, khi lượng mưa lớn tập trung trên diện rộng thì mực nước hồ có thể lên cao đột ngột từ cao trình +46,2m đến +48,25m hoặc lớn hơn.

Đối với bà con ở phía hạ du hồ Núi Cốc và hai bên bờ sông Công, chúng tôi đề nghị không sản xuất - kinh doanh, không gieo cấy trong phạm vi hành lang thoát lũ. Đặc biệt, nghiêm cấm người và phương tiện không có nhiệm vụ, gia súc đi lại qua các ngầm, qua tràn, trên mái đập, các thuyền, bè không được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động không được đi lại trong lòng hồ, lng sông, suối.

P.V: Ông có kiến nghị, đề xuất gì với các cấp chính quyền, ngành chức năng để đảm bảo tính bền vững, hiệu quả của công trình đại thủy nông hồ Núi Cốc?

Ông Nguyễn Công Thịnh: Hiện nay, các công trình đầu mối đều đã được  vận hành khai thác nhiều năm, nhiều thiết bị cơ khí, thủy công, hệ thống kênh cấp II Núi Cốc và một số tuyến kênh khác đã bị xuống cấp, cần được đầu tư sửa chữa đồng bộ và hiện đại để đảm bảo an toàn công trình và cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế.

Hằng năm, Công ty đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục, nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên chúng tôi cũng mới chỉ tu sửa một số phần trọng yếu. Vì vậy, trong thời gian tới, Công ty đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ về kinh phí để khắc phục sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo tính hiện đại và bền vững, nâng cao hiệu quả của công trình.

Xin cảm ơn ông! 

Lương Hạnh (Thực hiện)