Cập nhật: Thứ ba 31/05/2022 - 07:57
Năm nay, Nhà thiếu nhi Thái Nguyên tổ chức nhiều khóa tập huấn bơi lội nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Trong ảnh: Một tiết học bơi tại Nhà thiếu nhi Thái Nguyên.
Năm nay, Nhà thiếu nhi Thái Nguyên tổ chức nhiều khóa tập huấn bơi lội nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Trong ảnh: Một tiết học bơi tại Nhà thiếu nhi Thái Nguyên.

Nhiều năm qua, Nhà thiếu nhi Thái Nguyên đã thực hiện tốt chức năng của một trung tâm giáo dục ngoài nhà trường, tạo sân chơi cho thiếu nhi sau mỗi ngày lên lớp, đặc biệt trong dịp nghỉ Hè. Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở vật chất của đơn vị vẫn chưa thực sự hoàn chỉnh và chưa phát huy hết công năng, hiệu quả hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Giám đốc Nhà thiếu nhi Thái Nguyên, cho biết: Giai đoạn 2016-2019, được sự quan tâm của tỉnh, thành phố, Nhà thiếu nhi đã được cải tạo, sửa chữa, xây mới nhiều hạng mục với tổng trị giá trên 60 tỷ đồng. Cụ thể là xây mới nhà điều hành có diện tích gần 1.000m2 và nhà đa năng rộng 530m2; sửa chữa bể bơi và rạp măng non, cùng công trình nhà lớp học hai tầng, nhà để xe… Các hạng mục này được đưa vào sử dụng trong các năm 2019 và 2020, góp phần giúp đơn vị phục vụ tốt hơn nhu cầu giáo dục ngoài nhà trường.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc lát nền sân bê tông và gạch bổ sung vào những vị trí sân xuống cấp tại Nhà thiếu nhi vẫn chưa được hoàn chỉnh. Theo quan sát của chúng tôi, nhiều vị trí đất cát lẫn gạch, cỏ mọc rất mất mỹ quan. Bên cạnh đó, hệ thống tường rào chưa được xây dựng khang trang do có vướng mắc về mặt bằng của người dân khiến diện mạo của Nhà thiếu nhi có phần “nhôm nhoam”.

Lý giải điều này, bà Nguyễn Thị Thanh Mai nói: Hai năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các hoạt động của Nhà thiếu nhi ở một số thời điểm bị ngưng trệ, dẫn tới nguồn thu sụt giảm. Một số hạng mục không được sử dụng thường xuyên đã bị xuống cấp nên năm vừa qua, đơn vị đã chủ động bố trí kinh phí khoảng 70 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp. Về việc cải tạo sân Nhà thiếu nhi (diện tích trên 2.000m2 - P.V), do kinh phí lớn, vượt ngoài khả năng của đơn vị nên chúng tôi đã đề xuất với thành phố từ năm 2021, nhưng đến nay chưa có phương án đầu tư.

Trước những khó khăn về nguồn kinh phí, tháng 7-2021, Nhà thiếu nhi Thái Nguyên đã xây dựng Đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị vào mục đích cho thuê cơ sở vật chất và gửi Phòng Tài chính – Kế hoạch TP. Thái Nguyên thẩm định. Bà Mai cho rằng, sau khi Đề án được phê duyệt, sẽ tạo điều kiện cho đơn vị khai thác hoạt động dịch vụ, tạo nguồn thu. Từ đó, đơn vị có thể tổ chức nhiều hơn các hoạt động thu hút thiếu nhi tham gia và có kinh phí sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất thường xuyên hơn.

Bên cạnh quan tâm đến yếu tố cơ sở vật chất, đối với việc chuẩn bị khai mạc các hoạt động Hè vào đầu tháng 6 tới, Nhà thiếu nhi Thái Nguyên đã tổ chức tuyển sinh những lớp kỹ năng, năng khiếu ở bộ môn bơi, nhạc, họa, cờ vua, cầu lông, đào tạo MC, kỹ năng sống, hát, múa, võ thuật, nhảy hiện đại… Theo đó, đơn vị xây dựng chương trình hoạt động, giáo dục hấp dẫn để tạo sân chơi bổ ích, thú vị cho các em. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của cấp trên và chuyên đề tập huấn bơi lội nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước, năm nay, Nhà thiếu nhi Thái Nguyên tổ chức tuyển sinh và mở lớp dạy bơi cho thiếu nhi sớm hơn gần nửa tháng so với mọi năm. Từ ngày 10-5, đơn vị đã mở lớp, đến nay đã dạy cho 50 học sinh tham gia 3 lớp bơi (mỗi lớp 15 buổi).

Đồng thời, tiếp nối thành công từ các lớp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, 3 năm qua, hè này, Nhà thiếu nhi Thái Nguyên tiếp tục chú trọng nội dung này. Trong đó, quan tâm kỹ năng rèn cảm xúc, giúp các con nhận biết hành vi xâm hại trẻ em. Ngoài ra,đơn vị duy trì hoạt động của các loại hình câu lạc bộ năng khiếu ở các bộ môn, như: Nghệ thuật, tuyên truyền măng non, nghi lễ, aerobic, cầu lông, khiêu vũ thể thao... Tính đến ngày 20-5, đã có hơn 200 học sinh theo học tại các lớp năng khiếu và môn bơi lội. Con số này sẽ còn tăng mạnh trong những ngày tới khi mà đến thời điểm này, hầu hết thiếu nhi trên địa bàn tỉnh đã được nghỉ hè, nhu cầu tham gia các lớp năng khiếu, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, thể thao gia tăng.

Với số lượng các em nhỏ tham gia sinh hoạt đông và nhiều hoạt động đa dạng, để Nhà thiếu nhi Thái Nguyên phát huy tốt hơn nữa công năng, hiệu quả hoạt động, xứng đáng là sân chơi lành mạnh cho đông đảo thiếu nhi trong dịp hè, đơn vị rất cần sự quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất. Đặc biệt là đầu tư kinh phí để cải tạo Nhà thiếu nhi ngày một khang trang hơn. Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai: Chúng tôi rất mong TP. Thái Nguyên sớm phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị vào mục đích cho thuê cơ sở vật chất như một số địa phương đã làm để tăng nguồn thu cho Nhà thiếu nhi.

Duy Phương