Được thành lập từ năm 2017, đến nay, Hợp tác xã (HTX) chè Thủy Thuật, xã Phúc Trìu, có 3 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3-4 sao. Cụ thể là sản phẩm Nhất Tâm trà (3 sao), Lộc Đinh trà và Chè tôm nõn (4 sao). Hiện nay, các sản phẩm này đều được HTX xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh với giá trung bình từ 1-3 triệu đồng/kg, cao hơn gấp nhiều lần so với sản phẩm chè thông thường.
Ông Ngô Viết Thuật, Giám đốc HTX chè Thủy Thuật, cho biết: Chương trình OCOP đã mang lại những giá trị tích cực, góp phần nâng tầm thương hiệu sản phẩm của HTX. Nếu như trước đây, sản phẩm của chúng tôi chủ yếu bán tại thị trường Thái Nguyên và Hà Nội thì nay, nhờ đạt tiêu chuẩn OCOP, chè Thủy Thuật đã có mặt tại 10 tỉnh trong cả nước. Khách hàng biết đến chúng tôi nhiều hơn. Bình quân mỗi năm, doanh thu của HTX đạt trên 2 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với những năm trước. Trừ các chi phí, HTX thu lãi 700-800 triệu đồng/năm.
Cũng xác định được giá trị sản phẩm khi đạt tiêu chuẩn OCOP nên ngay sau khi thành lập (năm 2020), HTX chè Kim Thoa, xã Phúc Xuân, đã đăng ký tham gia Chương trình này. Kết quả là chỉ 1 năm sau (năm 2021), HTX đã có sản phẩm Chè tôm nõn được chứng nhận đạt OCOP 4 sao. Hiện nay, HTX đang xuất bán sản phẩm ra thị trường với giá bình quân từ 800-900 nghìn đồng/kg.
Bà Tống Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX chè Kim Thoa, chia sẻ: Để sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP đòi hỏi phải qua rất nhiều khâu, từ việc tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, sức mạnh cộng đồng… Việc được chứng nhận OCOP 4 sao đã giúp cho thị trường của HTX ngày càng mở rộng. Hiện nay, riêng với sản phẩm OCOP là Chè tôm nõn, bình quân mỗi tháng, HTX xuất bán được hơn 2 tạ, cao gấp 2 lần so với trước đây. Từ hiệu quả của Chương trình OCOP, năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục đăng ký tham gia với sản phẩm Đinh Đinh trà.
Thực hiện Chương trình OCOP, hằng năm, TP. Thái Nguyên đã xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, đoàn thể, UBND các phường, xã trên địa bàn. Đồng thời, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai tập huấn, đào tạo, thực hiện các dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, từ năm 2020 đến nay, TP. Thái Nguyên đã phân bổ trên 3 tỷ đồng hỗ trợ 6 dự án phát triển sản xuất, trong đó, 4 dự án có đơn vị thực hiện là các chủ thể của sản phẩm OCOP, gồm: HTX chè Hảo Đạt, HTX trà Sơn Dung, HTX Tâm Trà Thái, Công ty TNHH Thái Hải Thái Nguyên. Các dự án đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị.
Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng Kinh tế TP. Thái Nguyên - cơ quan thường trực của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn. Sau khi tham gia Chương trình OCOP, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm đã được chứng nhận tăng lên từ 20-50%. Từ đó, doanh số bán hàng, lợi nhuận của các HTX, đơn vị tăng lên đáng kể.
Đến nay, trên địa bàn TP. Thái Nguyên có 27 sản phẩm của 14 HTX, doanh nghiệp được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3-5 sao (hầu hết là sản phẩm chè). Trong đó, 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp Quốc gia, 22 sản phẩm 4 sao và 4 sản phẩm đạt 3 sao. Sản phẩm OCOP đã và đang từng bước tham gia vào thị trường với vị thế của mặt hàng đặc sản của địa phương. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025 và xa hơn là mục tiêu đến năm 2030, TP. Thái Nguyên phấn đấu có 120 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó, có 3 sản phẩm được xếp hạng 5 sao. Để đạt được mục tiêu này, thành phố đang đẩy nhanh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử…