Cập nhật: Chủ nhật 05/06/2022 - 06:56
Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng hoạt động ổn định, xử lý nước thải sinh hoạt của TP.Thái Nguyên trước khi xả ra sông Cầu.
Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng hoạt động ổn định, xử lý nước thải sinh hoạt của TP.Thái Nguyên trước khi xả ra sông Cầu.

Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã vào cuộc quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp trong bảo vệ môi trường nên không còn điểm “nóng” về ô nhiễm, chất lượng nguồn nước, không khí được đảm bảo. Qua đó tạo tiền đề giúp tỉnh phát triển ngày càng bền vững.

Quá trình phát triển mạnh về công nghiệp, khai khoáng cũng như tốc độ đô thị hóa nhanh sẽ có tác động không nhỏ đến môi trường. Nếu công tác bảo vệ môi trường không được quan tâm đúng mức thì dễ xảy tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân.

Vì vậy, tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan, chính quyền các cấp vào cuộc, triển khai Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường” giai đoạn 2017-2020.

Năm 2021, trên cơ sở phân tích, đánh giá những kết quả đạt được và hạn chế cần khắc phục, Thái Nguyên tiếp tục triển khai Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” giai đoạn 2021-2025.

Đề án nêu các nhiệm vụ cụ thể, thiết thực, như: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người, doanh nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã; quản lý chặt chẽ các nguồn thải; tăng cường phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường; đầu tư xây dựng, lắp đặt các công trình, thiết bị bảo vệ môi trường; tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường…

Một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra trong Đề án là xử lý hiệu quả nguồn thải, gồm: Rắn, lỏng và khí thải để ngăn ngừa ô nhiễm… Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh phát sinh gần 900 tấn. Để xử lý hiệu quả nguồn rác thải này, cùng với việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở các xã, tỉnh đã triển khai Đề án một cách nghiêm túc nên môi trường ở vùng nông thôn đã có sự cải thiện rõ rệt, tình trạng xả rác (túi nilon, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chất thải chăn nuôi) ra sông, suối, ao hồ đã cơ bản được khắc phục.

Đặc biệt, ở các đô thị đông dân, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh rất lớn, như: TP. Thái Nguyên (khoảng 250 tấn/ngày); TP. Phổ Yên (khoảng 150 tấn/ngày). Lượng rác thải này nếu không được xử lý tốt sẽ trở thành điểm “nóng” về ô nhiễm.

Trước năm 2018, bãi rác Đồng Hầm ở xã Minh Đức là nơi xử lý rác thải sinh hoạt cho các phường và một số xã của TP. Phổ yên. Tuy nhiên, do chôn lấp không đảm bảo nên đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, người dân nhiều lần tập trung phản đối. Nhưng, từ năm 2018 đến nay, nhờ được đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác theo hình thức lò đốt nên vấn đền ô nhiễm môi trường tại đây đã cơ bản được giải quyết. Còn đối với TP. Thái Nguyên, hiện nay tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt đạt 95% và xử lý theo hình thức đốt đạt gần 70%.

Trong thời gian tới, ngoài việc chú trọng xử lý rác thải sinh hoạt bằng hình thức lò đốt, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các huyện, thành phố phối hợp với Tổ chức KOICA (Hàn Quốc) tham mưu UBND tỉnh lập Dự án “Thiết lập hệ thống quản lý chất thải bền vững của tỉnh Thái Nguyên thông qua việc giảm thiểu và thu hồi tài nguyên từ chất thải”, với mục tiêu là giảm thiểu lượng chất thải và phát thải khí nhà kính bằng việc tái sử dụng, xử lý chất thải…

Bên cạnh đó, Thái Nguyên đang trên đà phát triển mạnh về công nghiệp nên lượng rác thải rắn thông thường và cả rác thải nguy hại cũng phát sinh ngày càng lớn. Để bảo vệ môi trường, hầu hết các khu công nghiệp mới được xây dựng đều có khu xử lý nước thải công nghiệp tập trung.

Ngoài ra, các chất thải công nghiệp đều được phân loại thành chất thải thông thường và chất thải nguy hại. Chất thải nguy hại được cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ từ khâu vận chuyển đến quá trình xử lý. Tình trạng xả trộm chất thải nguy hại ra môi trường đã cơ bản được giải quyết.

Không chỉ quan tâm đến việc xử lý chất thải rắn, tỉnh cũng chú trọng bảo vệ chất lượng nguồn nước, nhất là đối với nhưng sông, hồ lớn.

Trước nguy cơ ô nhiễm sông Cầu, tỉnh đã đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt Gia Sàng với công suất 8.000m3/ngày, đêm. Hiện nay, tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt giai đoạn 2, có công suất 8.000m3/ngày, đêm.

Qua đó, nước thải tại 10 phường trung tâm và các phường phía Nam của TP. Thái Nguyên được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn loại A (loại sử dụng tưới tiêu và sản xuất nước sinh hoạt) trước khi xả ra sông Cầu.

Hiện nay, tỉnh tiếp tục triển khai mạng lưới quan trắc tại 129 điểm để kiểm tra định kỳ nguồn nước mặt, nước thải và nước ngầm. Riêng hồ Núi Cốc, tỉnh đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để thường xuyên cập nhập chỉ số tiêu chuẩn nước. Qua đánh giá của sở Tài nguyên và Môi trường, chất lượng nước tại sông Cầu, sông Công và các sông suối trên địa bàn cơ bản đạt chất lượng, đảm bảo cho phục vụ tưới tiêu, sản xuất nước sinh hoạt.

Đối với việc quản lý nguồn khí thải, riêng trong năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện quan trắc môi trường không khí tại 43 điểm. Đồng thời duy trì vận hành 1 trạm quan trắc tự động tại trung tâm TP. Thái Nguyên và tham mưu lựa chọn vị trí để lắp đặt thêm 3 trạm quan trắc tự động môi trường không khí…

Với nỗ lực của các cấp chính quyền, các nguồn thải ở các cơ sở sản xuất có nguy cơ cao về ô nhiễm được kiểm soát chặt chẽ bằng việc thường xuyên kiểm tra, đánh giá qua hệ thống quan trắc tự động. Hiện nay, chất lượng nguồn nước, không khí trên địa bàn tỉnh đạt các quy chuẩn cho phép. Đó là tiền đề quan trọng cho Thái Nguyên phát triển bền vững.

Dương Hưng