Hiện nay, trên nhiều tuyến đường của TP. Thái Nguyên, đặc biệt là khu vực trung tâm, việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải có chuyển biến rõ nét so với những năm trước. Các tuyến phố đều được đặt các thùng rác công cộng nhiều màu để phân loại rác thải ngay tại nguồn. Hầu hết người dân có ý thức xả rác đúng nơi, giờ quy định.
Để có được kết quả này, thời gian qua TP. Thái Nguyên đã triển khai thực hiện Đề án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2017-2020 và đang tiếp tục triển khai Đề án giai đoạn 2021-2025. Đề án đã từng bước thay đổi nhận thức của người dân trong việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, thay đổi thói quen không tốt trong việc vứt, ném rác bừa bãi.
Theo đó, để Đề án được triển khai có hiệu quả, TP. Thái Nguyên huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thành lập Ban Chỉ đạo, các tổ tự quản; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Ngoài ra, thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị triển khai, tuyên truyền; thực hiện thí điểm tại một số phường trung tâm; giao phòng chuyên môn kiểm tra, giám sát, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ sinh môi trường…
Bà Lê Thị Hồng Liên, Chủ tịch UBND phường Quang Trung - một trong 4 đơn vị được lựa chọn thực hiện thí điểm phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn thành phố, cho biết: Sau 5 năm triển khai Đề án, việc phân loại rác thải ngay tại nhà được 100% người dân thực hiện rất nghiêm túc.
Chị Nguyễn Thị Bích Hường, người dân tổ 9, phường Quang Trung, chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi thường chỉ sử dụng một loại túi màu đen để chứa tất cả các loại rác. Tuy nhiên, sau khi được phường tuyên truyền, gia đình đã phân từng loại rác ngay tại nhà và sử dụng túi nilon màu khác nhau để phân biệt. Ví dụ như, những rác phân hủy được, gia đình để riêng một túi nilon màu xanh, rác tái chế đựng trong túi màu trắng, còn rác không phân hủy được đựng vào túi màu đỏ. Tôi thấy việc phân loại này vừa tiết kiệm vì tận dụng bán được các lon, chai nhựa, công nhân môi trường không cần phân loại khi xử lý, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường.
Rác thải sinh hoạt tại 100% xã, phường trên địa bàn TP. Thái Nguyên được thu gom, xử lý tập trung.
Để nâng cao nhận thức của người dân, TP. Thái Nguyên đã đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức, như: Cấp phát tài liệu tuyên truyền, gồm tờ rơi, băng rôn, pa nô… đến các cơ quan, đơn vị, xã, phường; phát sóng tin, bài về phân loại rác thải và các văn bản liên quan trên các phương tiện truyền thông. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể, ban, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án.
Ngoài ra, thành phố còn chú trọng việc đầu tư các thiết bị, dụng cụ thu gom rác thải trên địa bàn. Đơn cử như: Mua sắm, sửa chữa 400 xe gom rác; lắp đặt trên 200 thùng rác công cộng; cấp phát gần 47.000 thùng rác, 50.000 túi đựng rác….
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2017-2020, thành phố đã đầu tư trên 10,2 tỷ đồng để thực hiện nội dung này (giai đoạn 2021-2025, thành phố đã đầu tư gần 14 tỷ đồng để thực hiện Đề án).
Theo đánh giá, tính đến nay, TP. Thái Nguyên có khoảng 50% hộ dân, cơ quan, đơn vị thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; khoảng 90% số hộ dân xả rác đúng giờ; có 10 tuyến đường được lắp đặt các thùng rác tại những địa điểm công cộng theo màu sắc quy định.
Hằng năm, 100% các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được tuyên truyền về phân loại rác thải tại nguồn; rác thải sau khi được người dân phân loại đều được thu gom, vận chuyển và xử lý tập trung.
Theo kế hoạch, đến hết năm 2025, TP. Thái Nguyên phấn đấu có 50 tuyến đường được lắp đặt các thùng rác có màu sắc khác nhau; 85% số hộ dân và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tiến hành phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; 100% xe chuyên dụng vận chuyển rác được dán chữ hoặc biểu tượng để phân biệt 2 loại rác đốt được và không đốt được…