Cập nhật: Chủ nhật 05/06/2022 - 09:59
Bác sĩ khám cho bệnh nhân sau khi nhiễm COVID-19.
Bác sĩ khám cho bệnh nhân sau khi nhiễm COVID-19.

Lo lắng và lâu dần dẫn đến trầm cảm, mất ngủ, rối loạn ý thức là triệu chứng khá phổ biến của nhiều người sau nhiễm COVID-19.

Một khảo sát trên gần 700 bệnh nhân tới khám hậu COVID-19 trong gần 2 tháng (tính từ ngày 24/1 đến 15/3) tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho thấy, mệt mỏi là triệu chứng khó chịu phổ biến nhất khiến người dân đi khám.

Trong số này, tỷ lệ bệnh nhân từng mắc COVID-19 mức độ nhẹ hoặc trung bình chiếm 74,2%; mức độ nặng đến nguy kịch là 25,8%. Thời gian mắc bệnh trung bình của các bệnh nhân này là 10 ngày. Thời gian trung bình tới khám sau khi kết thúc cách ly là hơn 22 ngày.

Các triệu chứng khó chịu nhất khiến người bệnh phải đến khám là mệt mỏi (chiếm 89,4%); ho (43,6%); tức ngực, nặng ngực (21,1%); hụt hơi (20,9%); khó thở (17%) và mất ngủ (8,9%).

Số liệu này tương đương với nhiều nghiên cứu khác về hậu COVID-19. Theo Bộ Y tế, các triệu chứng hậu COVID-19 rất đa dạng, có đến 203 triệu chứng khác nhau, có thể xuất hiện sau khi đã hồi phục, hoặc tồn tại dai dẳng từ đầu, hoặc tái phát theo thời gian.

Triệu chứng phổ biến nhất, là: Mệt mỏi, khó thở, đau cơ xương khớp, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, suy giảm nhận thức, rối loạn giấc ngủ, ho, đau ngực...

Ảnh hưởng về thần kinh, tâm thần là hai trong số nhiều biểu hiện chủ yếu của hậu COVID-19. Theo đó, nhiều bệnh nhân gặp tình trạng sương mù não, mất mùi vị kéo dài, bệnh não và đột quỵ. Còn vấn đề về tâm thần như trầm cảm, stress sau chấn thương, lo âu, cô lập xã hội.

Theo GS. TS Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Hội y học Việt Nam, khoảng 5-20% bệnh nhân COVID-19 gặp di chứng kéo dài. Nhiều trường hợp mắc COVID-19 kéo hơn 2 tuần, cả tháng, thậm chí 3 tháng hoặc lâu hơn.

Vấn đề mọi người lo lắng nhất sau mắc COVID-19 liên quan bệnh lý tâm thần, thần kinh. Ban đầu chỉ là sự lo lắng và lâu dần dẫn đến trầm cảm, mất ngủ, rối loạn ý thức.

Theo hướng dẫn mới nhất về phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc COVID-19 của Bộ Y tế ban hành nửa cuối tháng 5, nếu gặp tình trạng lo âu hay tâm trạng xấu đi, hay có ý nghĩ muốn làm hại bản thân sau khi khỏi COVID-19, người bệnh cần sự trợ giúp khẩn cấp từ nhân viên y tế.

Bộ Y tế lưu ý, nếu tình trạng mệt mỏi kéo dài mặc dù đã tự điều chỉnh về nhịp độ và các hoạt động ưu tiên, ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày kèm theo một số triệu chứng như sau, cần đi khám tại phòng khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị phù hợp: Mệt mỏi sau khi làm việc gắng sức và kéo dài trên 24 giờ; Ngủ không yên giấc; Suy giảm trí nhớ hoặc khả năng tập trung; Đau cơ, đau nhiều khớp nhưng không sưng, nóng, đỏ; đau họng hoặc loét miệng; đau đầu…


Theo NDĐT