Cập nhật: Thứ hai 06/06/2022 - 11:00
Đội Xung kích phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn xã Huống Thượng kiểm tra thiết bị xuồng máy, sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Đội Xung kích phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn xã Huống Thượng kiểm tra thiết bị xuồng máy, sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Là xã nằm ven sông Cầu, địa hình thấp, nên Huống Thượng (TP. Thái Nguyên) thường bị ngập úng do mưa lũ. Bởi vậy, để bảo đảm an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân, xã đã thực hiện phương châm 4 tại chỗ. Nhờ đó, thời gian qua địa phương này luôn làm chủ mọi tình huống trong phòng, chống lụt bão, nhất là vào thời điểm mưa lũ kéo dài.

Đầu tháng 6 có liên tiếp các trận mưa lớn. Nước từ thượng nguồn đổ về làm dòng sông Cầu dềnh lên, gây ngập úng nhiều khu vực của tỉnh, trong đó có địa bàn xã Huống Thượng. Nhìn dòng nước đỏ ối, dữ dằn, chảy cuộn cuộn, ông Nguyễn Kim Liễu, xóm Bầu, thở dài: Một mùa mưa lũ mới đã về.

Có mặt ở đó, ông Dương Trọng Huyên, Xã đội trưởng cho biết: Ngoài xóm Bầu, Huống Thượng còn các xóm: Huống Trung, Trám, Cậy, Sộp và xóm Già tiếp giáp với dòng sông. Như vậy, 6/10 xóm của xã được xác định có nguy cơ cao bị ngập úng trong mùa mưa lũ. Một thuận lợi là hầu hết các hộ dân đã có điện thoại, thông tin 2 chiều nhanh, chính xác, giúp lực lượng chức năng ứng phó kịp thời.

Còn ông Nguyễn Xuân Trung, Trưởng xóm Già cho biết: Xóm chúng tôi ở vị trí thấp trũng, nên có úng lụt thì “thủy thần” đến thăm hỏi trước rồi mới đến các xóm khác. Chính vì thế mà nhiều hộ trong xóm tự mua sắm thuyền bè, tập chèo chống để chủ động di dời người và tài sản đến nơi an toàn.

Địa bàn Huống Thượng thường bị ngập úng mỗi khi mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về làm ngập nhà cửa, ruộng vườn... Ví như năm 2021 vừa qua xã trực tiếp hứng chịu 2 đợt ngập úng vào tháng 5 và tháng 6, làm nhiều tuyến đường bị ngập úng cục bộ. Ngoài ra còn 1 trận dông lốc làm 11 ngôi nhà bị tốc mái.

Ông Đoàn Bá Thu, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (Ban Chỉ huy)  xã Huống Thượng cho biết: Do chủ động 4 tại chỗ, đồng thời bảo đảm 3 giai đoạn trước, trong và sau thiên tai phù hợp với tình hình thực tế địa phương, nên nhiều rủi ro vì mưa lũ, dông lốc được hạn chế, bảo đảm an toàn cao nhất cho người và tài sản.

Theo dự báo của cơ quan chức năng: Mùa mưa bão năm nay có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, lũ trên sông Cầu có thể lớn hơn trung bình nhiều năm. Để chủ động phòng, chống mưa lớn cục bộ, lốc xoáy, mưa đá, sạt lở đất vùng sông suối, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy đã chỉ đạo các xóm, các trường học chủ động phương án bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

70 hộ trong xã có nguy cơ cao về sạt lở, 20 hộ nguy cơ bị lũ lụt, 25 hộ ở vùng thường xuyên bị chia cắt được tuyên truyền, nêu cao cảnh giác, không lơ là chủ quan trong mùa mưa bão.

Trưởng xóm Cậy, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết: Hằng năm xóm đều xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trong trường hợp có mưa bão, úng lụt, xóm chủ động tổ chức nạo vét bùn đất khơi thông các tuyến kênh mương nội đồng, hệ thống thoát nước dân sinh, bảo đảm không để nước ứ đọng và có báo cáo nhanh với Ban Chỉ huy.

Cũng từ trước mùa mưa, Đội Xung kích phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn của xã được kiện toàn. Các phương án phòng, chống thiên tai; kế hoạch sơ tán dân và tài sản được phổ biến rộng rãi. Các phương tiện, vật tư, nhu yếu phẩm được chuẩn bị gồm: 13 xe cơ giới các loại; 6 thuyền máy, 2 máy cưa, 25 dao phát; gần 7.000 gói lương khô, mì tôm; 3 tấn gạo; 4.000 hộp thực phẩm…  Ngoài ra, nhân dân còn tự chuẩn bị 20 thuyền nan, hàng trăm cọc tre, hàng nghìn mét dây thừng, hàng trăm m3 khối đất, cát để sẵn sàng ứng phó với thiên tai.

Với tinh thần chủ động đó, chúng tôi tin Huống Thượng, một vùng đất trũng ven sông Cầu sẽ hạn chế được nhiều rủi ro, thiệt hại về người và tài sản trong các mùa mưa bão.

Phạm Ngọc Chuẩn