Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hương Sơn, chia sẻ: Xác định xây dựng thị trấn trở thành ĐTVM là một trong những điều kiện quan trọng để huyện đạt nông thôn mới trong năm nay, thời gian qua, chúng tôi đã rà soát 9/9 tiêu chí ĐTVM để có lộ trình thực hiện cụ thể; tuyên truyền đến người dân ở 15 tổ dân phố bằng nhiều hình thức để bà con nắm được và thực hiện; huy động cả hệ thống chính trị, mọi nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí…
Đến nay, cơ sở hạ tầng giao thông đô thị được đầu tư đồng bộ; đời sống người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao; thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người/năm (tăng gần 10 triệu đồng/người/năm so với năm 2018); số hộ nghèo còn 53 hộ (giảm 68 hộ so với năm 2018)…
Tìm hiểu thực tế các tuyến đường trung tâm, tuyến đường ngõ ở các tổ dân phố, chúng tôi thấy rằng, các tuyến đường này đều đã được trải nhựa, bê tông hóa theo quy hoạch. Tại các tuyến phố chính, hệ thống vỉa hè, điện chiếu sáng, cây bóng mát… được đầu tư đồng bộ; hệ thống đèn tín hiệu giao thông, biển chỉ dẫn… được lắp đặt đầy đủ theo quy định. Cùng với đó là, hành lang an toàn giao thông đảm bảo mỹ quan đô thị, không có hiện tượng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán…
Ông Nguyễn Văn Trường, Tổ trưởng tổ dân phố 4 thông tin: Là tổ dân phố có 60/103 hộ dân kinh doanh dọc Quốc lộ 37, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra và yêu cầu các hộ dân không đặt biển quảng cáo, bắn mái che, mái vẩy… lấn chiếm vỉa hè, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị; tổ chức việc hiếu, hỷ không lấn chiếm lòng đường, gây cản trở giao thông; treo cờ Tổ quốc theo quy định vào những ngày Lễ, Tết… Sau khi được tuyên truyền, nhắc nhở, các hộ dân đều thực hiện rất nghiêm túc.
Không chỉ chú trọng xây dựng hạ tầng giao thông đô thị, thị trấn Hương Sơn còn đặc biệt chú trọng đến tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm đô thị. Theo đó, tại các khu vui chơi, tuyến đường của thị trấn đều được trồng cây xanh công cộng; 100% số hộ sử dụng nước sạch; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…
Trong công tác thu gom rác thải, thị trấn đã ký hợp đồng với Trạm Dịch vụ Cấp nước và Môi trường huyện tiến hành thu gom, vận chuyển rác thải về Công ty TNHH Dịch vụ Môi trường Anh Đăng để xử lý. Trung bình 1 ngày, có khoảng 1,5-2 tấn rác thải được thu gom, không gây ô nhiễm, mất vệ sinh môi trường.
Mặc dù đã đạt 9/9 tiêu chí ĐTVM nhưng thị trấn Hương Sơn vẫn còn 2 tiêu “non” hơn so với quy định, đó là tiêu chí thông tin tuyên truyền; môi trường và an toàn thực phẩm. Cụ thể, đối với tiêu chí thông tin tuyên truyền, hiện nay ở 15 tổ dân phố đều đã có hệ thống cụm loa truyền thanh để tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới người dân. Tuy nhiên, theo bộ tiêu chí mới thì hệ thống thông tin tuyên truyền phải là hệ thống thông minh (tức là có thể tiếp sóng trực tiếp từ đài Trung ương, tỉnh và huyện tới địa phương), trong khi hệ thống loa của thị trấn mới chỉ dừng lại ở việc tổ nào phát ở tổ đó. Do vậy, địa phương đã đề xuất với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan chuyên môn của huyện quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ kinh phí cũng như có hướng dẫn cụ thể để địa phương hoàn thành tiêu chí này.
Về tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, việc thu gom, vận chuyển rác thải của thị trấn mới chỉ dừng lại ở những khu vực trung tâm (gồm 7 điểm). Còn tại các tuyến đường ngõ ở các tổ dân phố, việc thu gom rác vẫn chưa thực hiện được do địa phương gặp khó khăn trong tìm vị trí tập kết, trung chuyển rác. Thị trấn đã ban hành văn bản đề nghị các tổ dân phố chưa có điểm tập kết, thu gom, vận chuyển rác thải rà soát những vị trí thuận lợi để thực hiện thu gom rác, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Ông Trần Văn Tuấn cho biết thêm: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí ĐTVM đã đạt; nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nếp sống văn hóa đô thị; tích cực bảo vệ môi trường… từng bước đưa thị trấn trở thành đô thị hiện đại trong tương lai.