Cập nhật: Thứ bẩy 11/06/2022 - 09:53
Bà Phạm Thị Bảo Hà (ngoài cùng bên trái) chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với cán bộ, hội viên cựu chiến binh.
Bà Phạm Thị Bảo Hà (ngoài cùng bên trái) chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với cán bộ, hội viên cựu chiến binh.

Ở xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), nhiều người gọi vợ chồng ông bà Nguyễn Minh Thịnh - Phạm Thị Bảo Hà (xóm Guộc) là vợ chồng người lính cũ. Họ tự hào về điều đó. Bởi họ vượt lên được chính mình, trở thành tấm gương tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương.

Họ làm đám cưới năm 1983, được gia đình bên chồng cho 1.000m2 đất ngoài soi bãi mưu sinh, họ hôm sớm tần tảo cải tạo đất trồng chè, cấy lúa. Hằng ngày, tận dụng cơm thừa chăn nuôi thêm con lợn, đàn gà cải thiện cuộc sống. Nhờ tiết kiệm chi tiêu, nên chỉ 6 năm sau họ đã dư dả mua thêm mảnh đất rộng 4.500m2 ở xóm Guộc, rồi chuyển nhà từ ngoài bãi soi về ở cho đến bây giờ.

Có đất, họ nghĩ đến việc trồng chè. Hạt giống đi xin được, còn làm đất, đào rạch đều do sức mình… Ông Thịnh xòe cho tôi xem đôi bàn tay chai nhám. Nhưng đang lúc cây chè cho thu hoạch ổn định, vợ chồng ông đưa ra một quyết định “động giời”. Bỏ hết, để chuyển sang chăn nuôi gà gia công.

Năm 2002, một nhân viên Công ty chăn nuôi gà của Thái Lan đến tiếp thị, vận động ông bà xây dựng trang trại chăn nuôi gà lông trắng. Sau khi bàn bạc, vợ chồng ông quyết định hợp tác với Công ty.

Để có tiền xây dựng trang trại, vợ chồng ông mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT thế chấp vay vốn. Hội Cựu chiến binh xã cũng tín chấp giúp cho gia đình được vay thêm vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Có nhà trại, Công ty cử cán bộ kỹ thuật đến tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cấp con giống, thức ăn chăn nuôi và cam kết mua lại toàn bộ gà thương phẩm.

Bà Hà nhớ lại: Gà lông trắng nuôi 45 ngày/lứa, trọng lượng khi xuất chuồng đạt bình quân 3kg/con. Với quy mô chăn nuôi 7.000 con/lứa, sản lượng đạt 21 tấn/lứa, trừ chi phí gia đình tôi còn lãi 50 triệu đồng.

Kể cả thời gian dọn dẹp chuồng trại, vệ sinh khử khuẩn, nhập con giống, xuất gà thương phẩm, 1 năm vợ chồng ông bà chăn nuôi được 5 lứa, sản lượng cả năm đạt 105 tấn, trừ các khoản chi phí còn có lãi khoảng 250 triệu đồng/năm.

Nhưng tai họa ập đến bất ngờ, vào cuối năm 2012, sự cố chập điện làm cháy toàn bộ trang trại. 7.000 con gà chừng 15 ngày sau đủ tuổi xuất chuồng cũng bị nướng thành tro bụi. Còn may là nhân viên của Công ty đến xác minh, lập biên bản… không bắt đền.

Phải sau hơn 1 năm xảy ra sự cố, vợ chồng họ mới hoàn hồn. Lại đôn đáo nhờ người thân cho vay vốn xây dựng chuồng trại, vực lại kinh tế gia đình bằng chính nghề chăn nuôi gà.

Nhưng chuồng trại nhỏ, quy mô chăn nuôi 3.500 con, nên Công ty cũ quay lưng không hợp tác. Đang như người bị bỏ rơi, vợ chồng ông tìm được hợp đồng chăn nuôi gà lông màu với Công ty chăn nuôi gia cầm Godern Trung Quốc.

Làm nhỏ, nhưng ăn chắc. Gà lông màu nuôi 3,5 tháng/lứa, khi xuất chuồng đạt bình quân 2,5 kg/con. 1 năm xuất 3 lứa, sản lượng cả năm đạt hơn 26,2 tấn, trừ chi phí còn có lãi 200 triệu đồng/năm.

Bà Hà khoe: Từ tiền tích lũy chăn nuôi gà, đầu năm 2022 vợ chồng tôi mới mua thêm một mảnh đất rộng 4.000m2, với số tiền 4 tỷ đồng để mở rộng trang trại.

Không nản chí, quyết tâm làm giàu bằng chính nghị lực của mình, nên vợ chồng ông bà Thịnh - Hà được bà con trong vùng nể mến. Ông Ngô Văn Long, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh và ông Đào Hùng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Tân Cương cho biết: Ở địa phương có nhiều gia đình đạt thu nhập hàng tỷ đồng/năm, nhưng làm giàu được như vợ chồng người lính cũ là Nguyễn Minh Thịnh - Phạm Thị Bảo Hà mới thật xứng điển hình vượt khó.

Phạm Ngọc Chuẩn