Cập nhật: Chủ nhật 12/06/2022 - 08:06
Một siêu thị tại Mỹ, tháng 7-2020. Ảnh: Reuters
Một siêu thị tại Mỹ, tháng 7-2020. Ảnh: Reuters

Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 thêm 1,2 điểm phần trăm, xuống còn 2,9%, đồng thời cảnh báo nguy cơ nhiều nước có thể rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Nền kinh tế thế giới được dự báo có thể trải qua giai đoạn giảm tốc mạnh nhất, sau sự phục hồi ban đầu khỏi suy thoái toàn cầu trong hơn 80 năm qua. Kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt nhiều thách thức trong nỗ lực phục hồi.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới công bố, WB cho rằng, xung đột tại Ukraine cùng tác động của đại dịch COVID-19 khiến kinh tế toàn cầu có thể bước vào giai đoạn tăng trưởng yếu kéo dài và lạm phát gia tăng.

Báo cáo cũng chỉ ra một số điểm tương đồng giữa tình hình kinh tế hiện nay với những năm 70 của thế kỷ trước, khi tăng trưởng bị đình trệ và lạm phát tăng vọt, cùng các yếu tố nguồn cung đẩy giá nhiên liệu leo thang và lãi suất thấp duy trì một thời gian dài.

Tuy nhiên, báo cáo cũng đưa ra các điểm khác biệt quan trọng giữa tình hình hiện nay với giai đoạn những năm 70, trong đó có đồng USD đang rất mạnh và các thể chế tài chính lớn đang có vị trí vững chắc.

Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu cũng dự báo tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển có thể giảm mạnh xuống còn 2,6% năm 2022 và 2,2% năm 2023, sau khi đạt mức 5,1% năm 2021.

Tăng trưởng tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cũng chỉ đạt 3,4% năm 2022, thấp hơn nhiều so mức 6,6% năm 2021, cũng như thấp hơn mức trung bình hằng năm 4,8% trong giai đoạn 2011-2019.

WB hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ thêm 1,2 điểm phần trăm xuống còn 2,5%, trong khi hạ 0,8 điểm phần trăm đối với dự báo tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xuống mức thấp bất thường là 4,3%.

Lạm phát cao đang “phủ bóng” lên những cam kết của Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) về nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế đầu tàu thế giới sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

Lạm phát của Mỹ trong hai tháng 3 và 4 vừa qua lần lượt là 8,5% và 8,3%, đều là những mức cao kỷ lục trong hơn 40 năm qua, tính từ tháng 12/1981. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự kiến giá tiêu dùng trong năm nay sẽ tăng 4% so với năm 2021, nhưng sẽ giảm dần khi FED tăng lãi suất và tăng trưởng kinh tế chậm lại. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, FED đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,5 điểm phần trăm, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2000.

Trong khi đó, tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng được WB hạ xuống còn 2,5% và Nhật Bản còn 1,7%. Lạm phát của Eurozone trong tháng 5 vừa qua đã tăng lên mức kỷ lục mới 8,1%. Lạm phát của Eurozone, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, trong tháng 5 đã tăng lên 4,4% so cùng kỳ năm ngoái.

Hiện mức lạm phát của Eurozone đã tăng gấp bốn lần so mức 2% mục tiêu mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra. Theo kế hoạch, trong tháng 7 tới, ECB sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% để kiềm chế lạm phát, tuy nhiên hiệu quả của biện pháp này vẫn là một ẩn số khi giá cả hàng hóa chưa có dấu hiệu giảm.

Đối với nền kinh tế Nga, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, WB dự báo tăng trưởng trong năm 2022 có thể giảm 11,3%. Nhà kinh tế cấp cao thuộc BCS Global Markets, Natalia Lavrova, nhận định vào năm 2022, ngân sách của Nga có thể vẫn dồi dào khi đối mặt lệnh cấm vận dầu mỏ của Liên minh châu Âu (EU), nhưng bà cho rằng, tình hình sẽ kém thuận lợi hơn trong năm 2023 do sự phụ thuộc của Nga vào nguồn thu từ dầu mỏ.

Theo BCS Global Markets, ước tính ngân sách của Nga trong năm tới có thể tổn thất khoảng 30-50 tỷ USD. Doanh số bán ô-tô ở Nga cũng đã giảm xuống mức thấp nhất lịch sử. Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (AEB) cho biết, doanh số bán ô-tô ở Nga trong tháng 5 vừa qua đã giảm 83,5%, mức giảm mạnh nhất từ trước đến nay, do các lệnh trừng phạt của phương Tây tác động đến ngành công nghiệp ô-tô ở Nga với việc thiếu hụt nguồn cung phụ tùng và giá cả leo thang.

Cảnh báo nguy cơ của việc khống chế lạm phát gia tăng bằng biện pháp kiểm soát giá cả hoặc hạn chế xuất khẩu, WB khẳng định tính cấp thiết của việc khuyến khích sản xuất và tránh các hạn chế thương mại.

Theo WB, để giảm rủi ro cho các nền kinh tế, các nhà hoạch định chính sách cần phối hợp đối phó việc tăng giá dầu và lương thực, tăng cường xóa nợ cũng như nỗ lực ngăn chặn đại dịch COVID-19.


Theo nhandan.vn