Người Quảng đi ăn mì Quảng gồm 35 tạp bút nhỏ, là 35 câu chuyện đời, chuyện người, chuyện ăn, chuyện ở. Những câu chuyện với giọng văn hài hước khiến người đọc bật cười, nhưng rồi đọc xong phải công nhận một điều, những gì nhà văn nói hóa ra… có lý!
Người Quảng đi ăn mì Quảng là thế này: Ở Sài Gòn, nếu bạn nhìn thấy một người khách bước vô một quán mì Quảng, kêu một tô mì, ăn xong gật gù khen ngon, trả tiền rồi đi ra, lòng không hề vướng bận một điều chi thì bạn có thể đàng hoàng kết luận: Khách không phải là người Quảng. Người Quảng đi ăn mì Quảng không có được một thái độ hồn nhiên như thế. Họ thường trực bận tâm “Chả biết mì Quảng quán này có đúng là… mì Quảng không?” Trước khi kêu một tô mì Quảng, họ hỏi chủ chủ quán: “Đúng không?”, sau khi ăn một tô mì Quảng, họ bảo chủ quán: “Không đúng!” Họ là người Quảng.
Còn đây là những câu chữ hóm hỉnh trong Một năm sống với lịch: Trong tất cả các mặt hàng Tết có lẽ lịch là thứ được bày bán sớm nhất. Những nhà làm lịch săn ảnh từ mùa Hạ, săn giấy phép từ mùa Thu để bước qua mùa Đông vào khoảng cuối tháng 10 lịch đã kịp thời có mặt trên thị trường… Chưa kịp mở đầu cho năm mới đã hấp tấp báo hiệu sự cáo chung của năm cũ, phải chăng đó là công dụng đầu tiên và ngoài chức năng, của lịch…
Đọc Người Quảng đi ăn mì Quảng chợt nhận ra trong mỗi tạp bút nhỏ của Nguyễn Nhật Ánh đều chứa đựng tâm tình của người viết, với một chút quá khứ, một chút hiện tại và một chút của tương lai. Có lẽ vì thế mà Người Quảng đi ăn mì Quảng trở thành cuốn tạp văn độc đáo, để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc.