Cập nhật: Thứ tư 22/06/2022 - 18:50
Công trình cấp nước sinh hoạt xóm Đèo Xá, xã Yên Lãng (Đại Từ), đã dừng hoạt động từ lâu.
Công trình cấp nước sinh hoạt xóm Đèo Xá, xã Yên Lãng (Đại Từ), đã dừng hoạt động từ lâu.

Được triển khai thực hiện theo Chương trình 134, 135 và các nguồn vốn khác, sau khi hoàn thành, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt đã được đầu tư cho khu vực nông thôn, miền núi, vùng cao không phát huy hiệu quả. Hiện, trên địa bàn tỉnh đang có 65 công trình hoạt động kém hiệu quả và 84 công trình ngừng hoạt động.

"Xóa sổ” ở thực địa và trong trí nhớ người dân

Năm 2008, đồng bào người dân tộc Cao Lan, Tày, Nùng… ở xóm Đồng Dong, xã La Hiên (Võ Nhai) vui mừng khi được Nhà nước đầu tư trên 560 triệu đồng xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt. Thời điểm mới hoàn thành, đưa vào sử dụng, công trình cung cấp nước sinh hoạt cho gần 80 hộ dân.

Tuy nhiên, sau vài năm sử dụng, nguồn nước không còn đủ cung cấp cho các hộ dân nữa. Vì thế, công trình dần bị bỏ hoang. Hiện, nhiều người dân trong xóm đã không còn nhớ đến công trình cấp nước này. Chị Trần Thị Kim, một người dân trong xóm cho biết: Giờ, nhiều người không còn nhớ vị trí xây bể thu, lọc nước của công trình ở đâu. Các đoạn ống dẫn nước cũng vỡ, hư hỏng hết và không còn vết tích.

Có thể thấy, công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy Đồng Dong hầu như đã bị “xóa sổ” ở thực địa và “xóa” luôn cả trong trí nhớ của người dân. Mặc dù, số tiền đã đầu tư xây dựng công trình là hoàn toàn có thật.

Ngoài những công trình đã bị “xóa” trong trí nhớ của người dân thì những công trình nước sạch nhưng sạch nước vẫn đang hiện hữu khá nhiều ở các địa phương trong tỉnh. Đơn cử như công trình cấp nước sinh hoạt ở xóm Đèo Xá, xã Yên Lãng (Đại Từ). Để “mục sở thị” công trình nước đã bị bỏ hoang nhiều năm nay, chúng tôi men theo khe suối, vượt qua những vạt rừng ẩm thấp để tìm đến vị trí đặt bể thu, lọc nước của công trình. Được đầu tư xây dựng từ năm 2007 (kinh phí trên 440 triệu đồng từ Chương trình 134), công trình này đã từng cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 70 hộ dân trong xóm.

Tuy nhiên, sau 6 năm sử dụng, công trình đã bị hư hỏng hoàn toàn. Tại thời điểm chúng tôi có mặt, bể thu, lọc nước đã bị rêu bám xám xịt; xung quanh khu vực này, cỏ dại mọc um tùm, nhiều đoạn đường ống dẫn nước đã “biến mất”.

Ông Triệu Văn Hoan, người từng được giao quản lý công trình thở dài: Bỏ hoang nhiều năm nay, công trình nước sinh hoạt này đã bị hư hỏng gần như hoàn toàn, không còn khả năng khôi phục lại. Hơn nữa, do thiết kế không phù hợp nên trong thời gian vận hành, chỉ mùa Hè mới có đủ nước cho các hộ dân dùng, mùa Đông, không có mưa, lượng nước rất ít, không đủ phục vụ nhu cầu của bà con…

Ông Đằng Văn Tình, Trưởng xóm Đồng Dong, xã La Hiên (Võ Nhai): Tôi thấy, khi công trình hoàn thành đưa vào khai thác, các chủ thể được giao quản lý công trình chủ yếu là tự khai thác (cấp nước, thu tiền) chứ chưa quan tâm đến việc bảo dưỡng, sửa chữa. Do đó, ở nhiều xóm, việc thu tiền sử dụng nước hàng tháng của các hộ dân gặp nhiều khó khăn nên nhiều công trình hư hỏng không được sửa chữa kịp thời.

Cùng với 2 công trình nêu trên, hiện còn rất nhiều công trình đang ngừng hoạt động như công trình cấp nước xóm Vu 2 - Phú Đô, Suối Hang - Yên Ninh, Na Mọn - Phủ Lý (Phú Lương); công trình cấp nước cụm xóm ở Tràng Xá (Võ Nhai); công trình cấp nước sinh hoạt ở xóm Ao Soi - Na Mao, công trình cấp nước bản người Dao Tân Lập - Phú Xuyên (Đại Từ)... Qua khảo sát, phần đa các huyện, thành trong tỉnh đều có công trình nước hoạt động kém hiệu quả hoặc dừng hoạt động.

Cạn kiệt nguồn sinh thủy hay yếu kém trong quản lý?

Chúng tôi được biết, tất cả các công trình đang ngừng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả đều do UBND xã, cộng đồng dân cư quản lý (149/254 công trình), có quy mô nhỏ, số người hưởng lợi của công trình ít, công nghệ lạc hậu, xuống cấp nhưng chưa có kinh phí sửa chữa.

Qua khảo sát của Sở Nông nghiệp và PTNT, có rất nhiều nguyên nhân khiến nhiều công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn xuống cấp nghiêm trọng và ngừng hoạt động. Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, cho biết: Do nguồn nước mặt ngày càng cạn kiệt nên loại hình thiết kế tự chảy không đủ nguồn nước để cung cấp theo thiết kế. Một số công trình do bị thiên tai, lũ lụt gây hư hỏng hệ thống đầu nguồn và hệ thống đường ống. Đơn cử như các công trình cấp nước tự chảy Bản Lanh - Kim Phượng (Định Hóa); xóm Cầu Đã - Tân Lợi (Đồng Hỷ)…

Ngoài ra, hoạt động khai thác rừng, khoáng sản nằm gần công trình cấp nước đã khiến nguồn nước bị ô nhiễm; nhiều nơi không có kinh phí di dời đường ống nằm dưới các tuyến đường bê tông nên đành bỏ công trình hoang hóa. Đáng nói, công tác quản lý của một số địa phương còn nhiều hạn chế, yếu kém (nhiều công trình không có tổ quản lý vận hành), đa số cán bộ, nhân viên chủ yếu là kiêm nhiệm, không có chuyên môn, nghiệp vụ và chưa được đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật.

Trong khi đó, công tác thông tin, truyền thông nâng cao ý thức bà con trong việc bảo vệ các công trình cấp nước còn rất hạn chế, nhất là ở miền núi, vùng cao - nơi người dân có trình độ dân trí thấp…

Ông Dương Văn Hiến, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Phổ Yên: Hiện, nguồn kinh phí dành cho việc duy tu, sửa chữa hầu như không có, chỉ có ít công trình do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường làm chủ đầu tư thì có kinh phí duy tu, sửa chữa hằng năm là 10% tổng số vốn Chương trình nước sinh hoạt vệ sinh môi trường nông thôn.

Một lý do nữa khiến nhiều công trình đã được đầu tư hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng phải nằm “bất động” là do khâu thẩm định, thiết kế và xây dựng. Ông Nguyễn Văn Tú, Trưởng xóm Đèo Xá, xã Yên Lãng (Đại Từ), nhận định: Đơn vị thi công tiến hành khảo sát thiết kế công trình cấp nước Đèo Xá vào mùa mưa nên nguồn nước khá dồi dào. Sang mùa khô, nguồn sinh thủy ít đi, dẫn đến công trình không cung cấp đủ nước sinh hoạt cho bà con. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến công trình cấp nước này không phát huy được hiệu quả.

Thực tế, tình trạng thiếu sự quản lý ở những công trình do người dân tự quản cũng khiến các công trình nằm “đắp chiếu”. Đặc biệt, phần lớn các công trình chưa thu phí sử dụng nước sinh hoạt hoặc có thu nhưng rất thấp, không đủ bù chi, dẫn đến không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng và trả công cho tổ quản lý vận hành. Theo đó, kinh phí hàng năm đầu tư sửa chữa, nâng cấp công trình chưa được các địa phương quan tâm, hoặc có nhưng rất hạn chế, chưa đáp được yêu cầu duy tu, sửa chữa, nâng cấp dẫn đến công trình bị xuống cấp, hư hỏng (vỡ ống, hỏng đồng hồ, bể lọc và bể chứa bị rò rỉ…), nhiều công trình không hoạt động được.

Có thể khẳng định, những nguyên nhân trên chính là lời giải cho tình trạng 149 công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đang ngừng hoạt động và hoạt động kém hiệu quả. Tuy nhiên, làm gì để khắc phục tình trạng này mới là điều chúng ta phải suy ngẫm.

Qua khảo sát của ngành Nông nghiệp và PTNT, trong số 84 công trình ngừng hoạt động, chỉ 17 công trình có khả năng cải tạo, 67 công trình còn lại không có khả năng cải tạo và đề nghị thanh lý.

(Còn nữa)

Nhóm P.V