Cập nhật: Chủ nhật 26/06/2022 - 08:14
Mời trầu và mời nước là điều không thể thiếu với người Sán Dìu khi bạn hát Soọng cô đến chơi nhà.
Mời trầu và mời nước là điều không thể thiếu với người Sán Dìu khi bạn hát Soọng cô đến chơi nhà.

Những ngày cuối tháng Năm tiết trời thật lạ, bởi thế mà buổi hẹn nghe hát của chúng tôi với các thành viên của Câu lạc bộ (CLB) Soọng cô xóm Thanh Chử, xã Linh Sơn, TP. Thái Nguyên là một ngày mưa như trút nước. Đúng giờ hẹn, xe của chúng tôi vừa dừng ở sân nhà ông Trương Văn Nguyệt, Chủ nhiệm CLB đã thấy mọi người đông đủ. Tôi cất tiếng chào “Thời tiết này các bác đi lại vất vả quá”. Những gương mặt tươi rói, miệng nở nụ cười đáp lời “Không có gì vất vả hết, cứ yên tâm, một lát nữa tiếng hát sẽ át tiếng mưa”.

Một buổi nghe hát

Giữa màn mưa đặc biệt tháng Năm, chúng tôi vừa yên vị, màn chào hỏi bằng tiếng hát của các cô, bác trong CLB đã bắt đầu. Một đĩa trầu nhỏ xinh được đàng trai hát mời, chào mừng đàng gái đến chơi nhà, trước khi cùng vào nhà trò chuyện. Đàng gái nhận miếng trầu và hát đáp lời. Cái lệ của người hát Soọng cô là như vậy.

Hai manh chiếu hoa đã được trải giữa nhà, tiếp đó, đàng trai rót nước mời khách cũng bằng một điệu hát. Ông Trương Văn Nguyệt, Chủ nhiệm CLB giải thích thêm cho những vị khách đường xa chúng tôi: Các làn điệu Soọng cô của của người Sán Dìu có nội dung vô cùng phong phú và có thể dùng trong mọi giao tiếp của đời sống hàng ngày. Ví như, khách đến chơi nhà, chúng tôi có làn điệu hát chào đón khách. Vào đến trong nhà, chúng tôi có làn điệu mời khách dùng trà, ăn trầu. Đặc điểm của hát Soọng cô là đàng trai ngồi 1 bên, đàng gái ngồi một bên. Sau đó sẽ là những câu hát đối đáp, thăm hỏi tình hình sức khỏe, giao lưu với nhau. Đặc biệt, với Soọng cô, nếu hát buổi sáng sẽ có bài dành cho buổi sáng, hát buổi chiều sẽ có bài dành cho buổi chiều. Tương tự, buổi tối và buổi đêm cũng vậy.

Hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu là làn điệu đặc sắc, được lưu giữ từ hàng trăm năm từ đời này sang đời khác, được chia làm 4 loại là hát đồng dao, hát ru con, hát tong bênh và hát giao duyên.

Những bài hát Soọng cô thường là những bài hát có sẵn trong sách, từng hoàn cảnh và vốn bài hát của mình, người hát sẽ sử dụng các bài hát khác nhau. Nội dung các bài hát nói về tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa, ca ngợi lao động, sản xuất, thăm hỏi gia đình…

Càng tìm hiểu, chúng tôi càng cảm nhận được sự đa dạng và dí dỏm ẩn trong các làn điệu Soọng cô của người Sán Dìu. Với đặc điểm các bài hát đối ngắn thể hiện sự ứng khẩu linh hoạt.

Ví như màn đối đáp trong bữa cơm phần nào cho thấy điều đó. Khi khách đến chơi nhà, chủ nhà hát mời cơm, ăn cơm xong khách dùng câu hát hỏi tiền ăn của mình hết bao nhiêu để gửi lại cho gia chủ. Nhà chủ đáp, chúng tôi không thách tiền, nếu có tiền thì trả, không có tiền ở lại làm ruộng với chúng tôi. Khách tiếp tục đối, vì đường xa mà không mang được tiền bạc theo, hẹn khi về nhà rồi sẽ gửi tiền cho gia chủ. Nếu không đủ nữa thì hẹn ở lại cùng làm ruộng với chủ nhà. Tất nhiên, đó chỉ là những câu hát vui thể hiện sự ứng khẩu linh hoạt, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người Sán Dìu.

Khi có khách quý đến chơi nhà, chủ nhà sẽ thắp nén nhang báo cáo thần Cửa.

Các bài hát Soọng cô chủ yếu được sáng tác theo thể thơ thất ngôn, tứ tuyệt, tức là mỗi bài hát chỉ có 4 câu và mỗi câu có 7 chữ. Ngoài ra, còn có bài 4 câu, trong đó câu đầu có 3 chữ, 3 câu sau mỗi câu 7 chữ. Khi hát có hai lối hát là hát ru hay hát ngân để câu hát trở nên mềm mượt. Đặc biệt, khi hát làn điệu Soọng cô không cần dùng đến bất cứ nhạc cụ nào mà câu hát vẫn làm say đắm lòng người.

Soọng cô của người Sán Dìu có từ hát tòng quân: “Tháng Giêng tòng quân hoa đua nở/Binh minh hoa nở cao sơn đồi..”, đến hát đồng dao: “Hát một bài ca dâng lên Đảng/Chúc mừng Việt Nam đang đổi mới…”, rồi hát ru: “A á ời à á ơi/Em ơi em cứ ngủ ngoan/Mai này em lớn đi thăm ruộng đồng/À á ời à á ơi, À á ời à á ơi…

Lưu truyền hồn cốt ông cha

Sự phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần không chỉ có ở các cộng đồng dân tộc Sán Dìu. Những kho tàng trong dân gian là tài sản vô giá của bất cứ dân tộc nào, song có lẽ không phải cộng đồng nào cũng lưu giữ, bảo tồn và phát huy được những “kho báu” đó nếu thiếu đi những người có vai trò nòng cốt như ông Trương Văn Nguyệt.

Ông Nguyệt sinh năm 1960. Từ năm 16 tuổi ông đã bắt đầu thực hành di sản văn hóa phi vật thể hát Soọng cô. Đến nay, ông đã sưu tầm và nắm giữ hơn 1.000 bài hát cổ. Từ đó, ông lại dày công dịch từ chữ Nôm sang tiếng Sán Dìu và tiếng phổ thông. Không chỉ là người có công trong việc tập hợp những người yêu Soọng cô  để thành lập CLB Soọng cô xóm Thanh Chử, xã Linh Sơn mà mấy năm trở lại đây, ông cùng một số thành viên tích cực của CLB đã và đang duy trì lớp truyền dạy hát Soọng cô cho hơn 40 học viên. Học viên chủ yếu là các cháu thanh, thiếu niên, nhi đồng. Nhiều học viên của lớp đến nay đã thành thạo và có thể đứng trên sân khấu biểu diễn như các em: Trương Quảng Trường, Trương Quảng Phong, cùng sinh năm 2007 và cùng xóm Thanh Chử.

Ông Nguyệt chia sẻ về tâm huyết của mình: Tôi muốn các cháu được làm quen và học hát Soọng cô ngay từ khi còn nhỏ, để tình yêu với Soọng cô được nuôi dưỡng và “âm ỉ cháy”. Như tôi, ngay từ nhỏ đã được nghe bố, mẹ, anh, chị, em trong gia đình, dòng họ và bà con trong xóm hát Soọng cô trong các dịp lễ, tết, đám cưới, đám ăn hỏi, vào nhà mới… bởi thế mà càng yêu, càng thấm.

Khi thành một chàng thanh niên, ông cùng bạn bè trong làng thường xuyên đi hát giao lưu ở lễ hội đình làng, hát giao duyên trong đám cưới của bạn bè hay trong những buổi tối đi chơi trong và ngoài làng. Nhưng sau đó, người hát Soọng cô cứ ít dần và mai một. Đau đáu khôi phục lại phong trào hát Soọng cô suốt 20 năm có lẻ, đến 2001, ông quyết tâm vận động một số người trong làng còn biết hát Soọng cô tập hợp thành một nhóm, thường xuyên tổ chức đi giao lưu, đồng thời mời bạn bè về xóm hát giao lưu để gây dựng lại phong trào. 

Thời gian đầu, thấy số lượng còn ít, ông tiếp tục vận động một số người trẻ tuổi hơn trong làng dù chỉ biết chút ít về Soọng cô vào nhóm, sau đó kỳ công dịch các bài hát trong sách cổ mà trước đó đã được truyền dậy để mọi người không biết chữ Nôm vẫn học được.

Bền bỉ cho đến 2012, số lượng thành viên trong nhóm đã lên tới 30 người, ông lập hồ sơ đề nghị xã Linh Sơn cho thành lập CLB hát “Soọng cô  xóm Thanh Chử” và được mọi người tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm.

Từ đó, CLB đươc nhiều nơi biết đến, số lượng các buổi tham gia giao lưu ngày càng nhiều và không chỉ gói gọn trong tỉnh mà mở rộng sang nhiều tỉnh bạn như: Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Bắc Giang… Trong điều kiện bình thường không có dịch bệnh, bình quân mỗi năm, CLB đi giao lưu từ 5 - 6 chuyến. Có năm lên đến 12 chuyến bởi được bạn bè nhiều nơi yêu mến mời giao lưu.

Chưa dùng ở đó, ngoài những lúc đi biểu diễn, ông và các thành viên trong CLB lại cùng nhau sáng tác những bài hát đồng dao để tham gia các buổi biểu diễn văn nghệ của xóm làng và những hội thi nghệ thuật quần chúng của xã Linh Sơn. Từ đó, CLB mang về rất nhiều giải thưởng, nhưng quan trọng hơn cả đó là giữ được hồn cốt của ông cha.

Thái Yên