Định Hóa là huyện miền núi, phần lớn người dân là đồng bào các dân tộc thiểu số (trên 70%), các doanh nghiệp trên địa bàn đều là doanh nghiệp nhỏ, nhu cầu về lao động qua đào tạo không nhiều. Do đó, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện chủ yếu vẫn là các ngành nghề liên quan đến nông nghiệp.
Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, huyện Định Hóa đã chi hơn 5,5 tỷ đồng để tổ chức 91 lớp đào tạo nghề cho trên 2.500 lao động nông thôn, gồm các nghề: Sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi; chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng rau hữu cơ; trồng nấm; chế biến chè; sửa chữa máy nông nghiệp...
Qua các lớp đào tạo, người dân từng bước thay đổi phương thức sản xuất, chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo hướng dịch vụ có giá trị kinh tế cao.
Ông Vũ Văn Quang, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Sơn Thắng, xã Sơn Phú, cho biết: Qua các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề được tổ chức ngay tại xã, chúng tôi được cập nhật những kiến thức mới về trồng, chăm sóc, chế biến chè, giúp tăng năng suất, đảm bảo chất lượng, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, mở rộng thị trường tiêu thụ chè.
Không chỉ chè, các sản phẩm như: Rau an toàn tại xã Kim Phượng, thị trấn Chợ Chu; gà tại xã Bộc Nhiêu; nấm tại xã Bảo Linh; trâu, bò tại xã Linh Thông… đều do những lao động nông thôn qua đào tạo rồi tự phát triển mô hình kinh tế.
Chị Nông Thị Huệ, xóm Thái Chi, xã Kim Phượng, chia sẻ: Trước đây, việc chăn nuôi gà của gia đình tôi dựa vào kinh nghiệm là chính, gà chậm lớn, tỷ lệ chết cao, có lứa chỉ hòa, thậm chí lỗ vốn. Qua lớp học do huyện tổ chức, tôi nắm được quy trình, kĩ thuật chăn nuôi, cách phòng, chống dịch bệnh ở gà nên chăn nuôi thu lãi khá.
Việc đào tạo nghề bám sát nhu cầu thực tế đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương chuyển biến tích cực: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hằng năm đạt trên 1.100 tỷ đồng; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt đạt khoảng 100 triệu đồng/năm; tỷ lệ giảm nghèo hằng năm là 3,3% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020); thu nhập bình quân đạt 48 triệu đồng/người/năm...
Ông Đào Phương Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Định Hóa cho biết: Nhu cầu học nghề của lao động nông thôn hiện nay rất lớn. Tuy nhiên, số lượng giáo viên dạy nghề còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu. Chúng tôi sẽ tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu học nghề của người dân, phân loại đối tượng để dạy nghề, đào tạo nghề gắn với thị trường và nhu cầu thực tế của người lao động.