Tham dự có hơn 500 đại biểu, lực lượng chuyên trách đến từ các bộ, ngành, cơ quan liên quan, 21 tỉnh, thành phố; Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài chủ trì hội nghị.
Từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai diễn biến bất thường, cực đoan tại nhiều vùng, miền, làm 64 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế 3.900 tỷ đồng. Đặc biệt, hai đợt mưa lũ sớm trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình trong tháng 5 và 6 gây ngập lụt diện rộng; các hồ Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình phải mở cửa xả đáy điều tiết lũ. Dù hệ thống đê điều đã được xây dựng, tu bổ, bồi đắp qua nhiều giai đoạn nhưng trên 2.741km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt hiện còn 242 trọng điểm xung yếu, hơn 7.600 vụ việc vi phạm pháp luật đê điều chưa được xử lý.
Thông tin khái quát, nhận định về diễn biến bão, lũ, công tác phòng, chống thiên tai, quản lý đê điều năm 2021 và 6 tháng đầu năm nay, lãnh đạo Tổng cục Phòng, chống thiên tai và các đơn vị quán triệt một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2022; công tác quản lý đê điều, giới thiệu một số văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành.
Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan, địa phương cùng trao đổi, chia sẻ bài học, kinh nghiệm hay trong công tác quản lý đê, lập quy hoạch, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, xử lý sự cố đê. Nổi bật là phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu”, tăng tuần tra canh gác, sẵn sàng ứng cứu, hộ đê theo phương châm “4 tại chỗ”; nâng cao chất lượng, tiến độ duy tu, tu bổ đê điều, hiện đại hóa hệ thống đê theo quy hoạch, phân cấp quản lý; tích cực, chủ động xây dựng, triển khai phương án phòng, chống lũ trên tuyến sông có đê.
Để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, sẵn sàng ứng phó tình huống bất lợi nhất, Tổng cục Phòng, chống thiên tai quán triệt nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều các tỉnh, thành phố trong 6 tháng cuối năm 2022 là khẩn trương kiện toàn lực lượng, thực hiện nghiêm công tác tuần tra canh gác, phát hiện và xử lý ngay từ giờ đầu những sự cố đe dọa an toàn đê. Thường xuyên theo dõi hiện trạng hệ thống đê điều, rà soát, xác định trọng điểm xung yếu đê điều, tổ chức và kiểm tra việc triển khai trên thực tế ở các địa phương; quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về đê điều, chủ động phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn hệ thống đê…