Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Đặng Xuân trưởng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan (ảnh).
Theo bản tin của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, Cơn bão số 1 có diễn biến nhanh. Đến 13 giờ ngày 1-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,0 độ vĩ Bắc; 113,3 độ kinh Đông, cách tỉnh Quảng Ninh khoảng 640km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 14 và có khả năng mạnh thêm.
Để ứng phó với Cơn bão số 1, Ban Chỉ đạo, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã ban hành 3 công điện, 3 văn bản, chủ trì 4 cuộc họp với các cơ quan thường trực để triển khai ứng phó. Đối với các tỉnh ven biển đã có công điện, văn bản chỉ đạo các biện pháp ứng phó; kêu gọi, hướng dẫn cho 655 tàu với trên 4.300 người thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; kiểm tra, rà soát phương án bảo vệ các khu vực trọng điểm đê, kè, cống xung yếu. Các tỉnh miền núi phía Bắc cũng sẵn sàng di dời hơn 16.000 người ở các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Đối với Thái Nguyên, ngày 30-6, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành công điện về việc chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của bão và mưa lũ sau bão.
Tại Hội nghị, đại diện các địa phương đã báo cáo tình hình triển khai công tác ứng phó nhằm đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền đánh bắt xa bờ, khách du lịch đến tham quan, các hộ dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí xung yếu, vận hành an toàn hồ chứa; bảo vệ lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản và tiêu úng cho diện tích lúa mới cấy…
Kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Quang Hoài nhấn mạnh: Đây là cơn bão đầu mùa, với diễn biến phức tạp, phạm vi ảnh hưởng rộng, do vậy, các địa phương cần tránh tư tưởng chủ quan. Đối với các tỉnh, thành ven biển cần kịp thời thông báo cho những chủ tàu, thuyền để chủ động thoát ra hoặc không di chuyển vào vị trí nguy hiểm; có biện pháp đảm bảo an toàn cho lồng bè nuôi trồng thủy sản. Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc cần rà soát phương án di dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập úng. Đồng thời, kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa, khu vực hầm mỏ, khai thác khoáng sản. Cùng với đó, các địa phương cần kiểm tra hệ thống thoát nước, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp.
Đồng chí Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai cũng yêu cầu các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng thông tin về diễn biến cơn bão để người dân chủ động phòng tránh.