Nhiều địa phương chưa có mỏ được cấp phép
Theo số liệu thống kê, nhu cầu các dự án sử dụng nguồn vật liệu san lấp mặt bằng ở các địa phương trong tỉnh hiện nay khá lớn. Trong đó, tập trung tại những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao, như: TP. Phổ Yên, TP. Sông Công, TP. Thái Nguyên và các huyện Phú Bình, Đại Từ.
Nhu cầu vật liệu san lấp đang rất cấp thiết đối các dự án trọng điểm của tỉnh, như: Khu công nghiệp Sông Công II, Khu công nghiệp Yên Bình, Khu công nghiệp Điềm Thụy, tuyến đường đô thị động lực, tuyến đường liên vùng Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc và nhiều công trình giao thông, khu dân cư, khu đô thị đang trong quá trình thi công tại các địa phương…Theo dự báo của Sở Xây dựng, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Thái Nguyên cần 176,2 triệu mét khối vật liệu thông thường phục vụ nhu cầu san lấp. Trong giai đoạn 2025-2030, tỉnh tiếp tục có nhu cầu về vật liệu thông thường phục vụ san lấp với khối lượng khoảng 117,4 triệu mét khối.
Cung cấp đủ nguồn vật liệu thông thường phục vụ san lấp mặt bằng của các dự án luôn là vấn đề nóng, bức thiết đặt ra với tỉnh Thái Nguyên trong 3 năm qua và cả những năm tiếp theo. Đây cũng là bài toán nan giải đối với các cơ quan chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương có dự án triển khai cũng như chủ đầu tư. Thực tế cho thấy, khó khăn, khan hiếm về nguồn vật liệu san lấp mặt bằng đã làm ảnh hưởng đến tiến độ theo kế hoạch của không ít dự án.
Mặc dù, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều điểm mỏ đất nằm trong quy hoạch vật liệu xây dựng và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nhưng chủ yếu tập trung tại các địa bàn, như: TP. Phổ Yên, TP. Sông Công, huyện Phú Bình và huyện Đồng Hỷ. Tuy nhiên, các điểm mỏ vật liệu thông thường này phân bố không đều, trữ lượng nhỏ và thời gian khai thác ngắn nên khả năng cung cấp vật liệu cho các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Do vậy, khi các dự án khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị, tuyến giao thông đã tiến hành xong chủ trương đầu tư, chuẩn bị khởi công trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023 sẽ đẩy nhu cầu về vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh tăng cao.
Điều đáng bàn là hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh chưa có mỏ vật liệu san lấp nên khó khăn khi thi công các dự án. Đồng chí Phạm Duy Hùng, Bí thư Huyện ủy Đại Từ, thông tin: Trên địa bàn huyện hiện chưa có mỏ vật liệu thông thường phục vụ san lấp được cấp phép nên rất khó khăn đối với các dự án và chủ đầu tư. Vừa qua, các ngành chức năng đã quy hoạch 3 điểm mỏ tại huyện nhưng để hoàn thiện hồ sơ pháp lý, điều kiện đầu tư phải mất thêm thời gian.
Tương tự tại các địa bàn, như: Phú Lương, Định Hóa cũng chưa có điểm mỏ đi vào hoạt động nên nguồn vật liệu san lấp phải tận thu từ các dự án còn dư đất, đá hoặc vận chuyển từ các địa phương khác về sử dụng. Tuy vậy, việc hoàn tất hồ sơ để các chủ đầu tư tận thu nguồn đất, đá dư thừa trong quá trình triển khai các dự án khác lại phức tạp về thủ tục và kéo dài về thời gian nên cũng ít đơn vị trong tỉnh thực hiện được việc làm này.
Mỗi năm, Công ty Than Khánh Hòa phải bóc tách, di chuyển 4 triệu mét khối đất, đá đưa ra bãi đổ thải.
Hàng triệu mét khối vật liệu bị lãng phí
Trong khi đó, tỉnh Thái Nguyên có một nguồn đất, đá rất dồi dào thải ra từ quá trình khai thác của các mỏ than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (mỏ than Khánh Hòa, mỏ than Núi Hồng) và các điểm mỏ than, quặng sắt của Tổng Công ty Thép Việt Nam (mỏ than Làng Cẩm, mỏ sắt Trại Cau, mỏ sắt Tiến Bộ). Theo tính toán của cơ quan chức năng, khối lượng đất, đá thải ra tại các mỏ do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Thép Việt Nam quản lý tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên lến đến hàng trăm triệu mét khối.
Đây là nguồn vật liệu vô cùng lớn, có thể tận dụng vào việc san lấp mặt bằng cho các dự án, công trình triển khai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và sẽ tạo ra lợi ích kép. Trước hết, nguồn vật liệu này đáp ứng được nhu cầu san lấp mặt bằng của các dự án, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai nhanh các công trình trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, 2 doanh nghiệp Nhà nước nêu trên sẽ giải quyết được bài toán các khu vực đổ thải đã và đang quá tải, những bãi thải có độ cao quá lớn, dễ sạt lở xuống các khu dân cư phía dưới, giảm được chi phí vận chuyển khi phải đổ thải xa, giảm thiểu tác động tiêu cực từ các bãi thải đến môi trường sống ở các khu vực xung quanh.
Ông Bùi Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Than Khánh Hòa, cho biết: Bình quân mỗi năm, đơn vị phải bóc tách khoảng 4 triệu mét khối đất, đá đưa ra bãi đổ thải. Tính toàn bộ 75 năm hoạt động khai khoáng của đơn vị thì tổng khối lượng đất, đá tập kết tại các bãi thải là vô cùng lớn. Tuy nhiên, ngoài lượng nhỏ đá được tận thu để sản xuất xi măng tại Công ty CP Xi măng Quán Triều thì khối lượng đất, đá trên chưa thể sử dụng vì các quy định của pháp luật hiện hành vẫn xác định đây là chất thải công nghiệp phải quản lý.
Tương tự, tại các bãi đổ thải của mỏ than Phấn Mễ, mỏ sắt Trại Cau, mỏ sắt Tiến Bộ, lượng lớn đất, đá bóc tách trong quá trình khai khoáng đang bị bỏ lãng phí và các đơn vị phải chi hàng trăm tỷ đồng để vận chuyển, cất trữ. Trên thực tế cũng đã có doanh nghiệp đề nghị được mua lại khối lượng vật liệu này để sử dụng làm vật liệu thông thường nhưng do còn vướng các quy định pháp luật ràng buộc nên các đơn vị trực tiếp quản lý dù rất muốn bán nhưng chưa thể thực hiện được. Vấn đề này cần được các ngành chức năng tham mưu với Chính phủ xem xét giải quyết phương án sử dụng đất, đá thải tại các mỏ phục vụ san lấp mặt bằng.
Để từng bước tháo gỡ tình trạng khan hiếm về vật liệu thông thường phục vụ san lấp, các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với 9 huyện, thành phố rà soát, tham mưu với cấp có thẩm quyền bổ sung quy hoạch 25 điểm mỏ đất trong giai đoạn từ nay đến năm 2023. Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ, thực hiện nghĩa vụ tài chính để tận dụng triệt để đất từ các dự án có đào, hạ cốt nền; các nguồn tro, xỉ nhiệt điện và chất nạo vét từ luồng lạch để làm vật liệu san lấp mặt bằng…