P.V: Xin bác sĩ thông tin đôi nét về biến thế phụ của Omicron BA.4 và BA.5?
Bác sĩ Hoàng Anh: Biến thể Omicron đã dẫn đến làn sóng COVID-19 gia tăng ở một số nước. Dòng phụ Omicron “tàng hình” BA.2 đã trở thành biến thể chủ đạo trên toàn cầu, chiếm đến gần 94% số mẫu giải trình tự gene. Hiện, các chuyên gia y tế đang quan ngại về 2 biến thể phụ mới của Omicron. Các biến thể mới BA.4 và BA.5 phát hiện ở Nam Phi hiện đang được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giám sát. WHO đã và đang truy vết các dòng phụ của Omicron là BA.1, Omicron 'tàng hình' BA.2, cũng như B.A.1.1 và BA.3.
Ngoài ra, hiện tại, 2 biến thể phụ mới BA.4 và BA.5 cũng đang khiến các chuyên gia y tế quan tâm bởi những đột biến gene của vi rút có thể lẩn tránh hàng rào miễn dịch chống lây nhiễm nhờ vắc-xin hoặc do từng mắc COVID-19 trước đó.
P.V: Bác sĩ đánh giá như thế nào về nguy cơ các biến thể phụ này có thể xâm nhập vào Thái Nguyên?
Bác sĩ Hoàng Anh: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta biết tình hình dịch COVID-19 trên thế giới, trong nước vẫn đang diễn biến khó lường, nhất là nguy cơ xuất hiện các biến thể mới có thể làm cho dịch bệnh phức tạp, gia tăng trở lại.
Hiện nay, hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 đang xuất hiện tại nhiều nơi trên thế giới, làm gia tăng ca mắc ở một số quốc gia. Đơn cử tại Bồ Đào Nha, biến thể phụ BA.5 chiếm ưu thế trong số các ca mắc. Hay tại Nhật Bản, khoảng một tuần trở lại đây, số ca mắc COVID-19 lại gia tăng, trong đó có nhiều người tái nhiễm. Nhật Bản là quốc gia được cảnh báo có thể xuất hiện một làn sóng dịch mới khi kháng thể của người dân đang giảm dần do các mũi vắc-xin phòng COVID-19 tăng cường đã được tiêm từ khá lâu.
Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin y tế do Bộ Y tế tổ chức chiều ngày 27-6, ông Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết: Việt Nam đã ghi nhận sự xâm nhập của biến thể phụ BA.5. Mới đây nhất, thông tin vào ngày 1-7 cho biết, TP. Hà Nội - địa phương nằm ngay sát Thái Nguyên, đã ghi nhận 3 trường hợp mắc COVID-19 nhiễm biến chủng Omicron BA.5. Trong thời điểm nước ta đã mở cửa quốc tế, mọi hoạt động thông thương hàng hóa, di chuyển của người dân giữa các nước trên thế giới cũng như trong quốc nội đã được khôi phục trở lại như hiện nay, rất thuận lợi cho biến thể phụ BA.5 lây lan trên phạm vi cả nước và xâm nhập vào Thái Nguyên.
Trong khi đó, tại Thái Nguyên, không ít người dân trong tỉnh có tâm lý chủ quan cho rằng dịch COVID-19 đã kết thúc hoặc mắc COVID-19 không đáng lo ngại. Nguyên nhân là do đợt dịch vào đầu năm 2022 vừa qua ở Việt Nam hầu hết là mắc chủng Omicron nên triệu chứng rất nhẹ. Vậy nên nhiều người không duy trì tốt các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng; chưa phối hợp tiêm các mũi vắc-xin nhắc lại (mũi 3, mũi 4)…
Bởi vậy, đã đến lúc, người dân Thái Nguyên cần có một cái nhìn đúng đắn về việc phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Từ đó sẽ góp phần ngăn chặn nguy cơ bùng phát làn sóng dịch mới trên địa bàn.
P.V: Trước nguy cơ biến thể phụ của Omicron BA.4 và BA.5 có thể lây lan diện rộng trên cả nước và tại Thái Nguyên, bác sĩ khuyến cáo người dân trong tỉnh nên làm gì để phòng, chống dịch COVID-19?
Bác sĩ Hoàng Anh: Theo các thông tin thu nhận được, việc xuất hiện 2 biến thể phụ BA.4 và BA.5 không quá nguy hiểm, vì vậy, người dân không nên lo lắng quá nhưng cũng tuyệt đối không chủ quan, cần phải theo dõi thêm.
Như tôi đã thông tin ở trên, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nên để phòng dịch trong tình hình mới, người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch như khử khuẩn, đeo khẩu trang ở những nơi nguy cơ cao, hạn chế hoặc không tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ.
Dịch COVID-19 vẫn có thể quay lại bất cứ lúc nào và đặc biệt nguy hiểm nếu là các biến chủng với khả năng lây nhiễm cao, có độc lực mạnh. Vì vậy, tiêm chủng các mũi nhắc lại để củng cố miễn dịch vẫn là biện pháp kịp thời và tối ưu nhất. Do đó, những người chưa tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) thì nên đi tiêm ngay. Tiếp theo đó, những người cao tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, người có nhiều nguy cơ như cán bộ, công nhân lao động, người thường xuyên tiếp xúc với nhiều người… cũng cần nhanh chóng tiêm vắc-xin mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) để phòng bệnh trước nguy cơ dịch quay trở lại hoặc các biến chủng mới có thể xuất hiện trong tương lai. Nếu người dân không tiêm nhắc lại, miễn dịch đã được tạo ra do vắc-xin hoặc đã mắc bệnh trước đó bị giảm dần, nguy cơ mắc bệnh và trở nặng có thể xảy ra.
Hiện tại, hoạt động tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì tại các cơ sở y tế các tuyến, như các bệnh viện, TTYT tuyến huyện, trạm y tế xã và nhiều điểm tiêm lưu động tại các khu công nghiệp, nhà máy, trường học. Bởi vậy, người dân Thái Nguyên khi đến lịch tiêm các mũi vắc-xin nhắc lại có thể đến cơ sở nói trên để được tiêm chủng đúng lịch.
Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc phỏng vấn!