Tăng trưởng trong gian khó
6 tháng đầu năm, việc triển khai kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, như: Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là trong quý I/2022 đã khiến hoạt động tiêu thụ nông sản của người dân gặp khó; tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi, giá phân bón tăng cao cũng tác động lớn đến chi phí đầu tư sản xuất của bà con.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc sát sao của toàn ngành, chính quyền các địa phương cùng sự năng động của người nông dân, nông nghiệp Thái Nguyên vẫn ghi nhận sự tăng trưởng ở hầu hết các lĩnh vực. Cụ thể, đối với trồng trọt, sản lượng lương thực có hạt vụ đông xuân của toàn tỉnh đạt 220 nghìn tấn, tương đương 50,3% kế hoạch cả năm; sản lượng chè thu hoạch đạt trên 110,5 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2021; sản lượng gỗ khai thác đạt 125,8 nghìn m3, tăng 5,89% so với cùng kỳ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tá, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng Trọt - Bảo vệ thực vật, cho biết: Những tháng đầu năm, chúng tôi đã phối hợp với các địa phương khuyến khích người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển các vùng trồng cây ăn quả chủ lực như: Na, nhãn, bưởi và một số loại cây rau màu, để vừa nâng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích gieo trồng, vừa đáp ứng nhu cầu cung cấp thực phẩm tại địa phương và một số tỉnh lân cận. Ngoài ra, Chi cục cũng hướng dẫn, tuyên truyền, động viên nhân dân mở rộng diện tích sản xuất an toàn, hữu cơ, xây dựng mã số vùng trồng đối với một số sản phẩm như: Chè, na, gạo… Đồng thời, thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo, phòng trừ sâu, bệnh gây hại, góp phần bảo vệ mùa màng bội thu.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm đạt 86,8 nghìn tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 54,8% kế hoạch năm; sản lượng thủy sản đạt 7,2 nghìn tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Theo ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản: Thời gian qua, bà con đã tập trung phát triển sản phẩm chăn nuôi chủ lực (lợn, gà) theo hướng trang trại chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, triển khai hiệu quả các mô hình đệm lót sinh học. Cùng với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, các hộ chăn nuôi cũng chủ động phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Thành viên Hợp tác xã chè Thịnh An, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) áp dụng cơ giới hóa trong chế biến chè.
Có được kết quả thắng lợi trên là do thời gian qua, ngành Nông nghiệp Thái Nguyên đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, chỉ đạo thực hiện tốt phương án sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2022, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất vụ (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…), khuyến khích bà con gieo trồng hết diện tích.
Ứng dụng công nghệ số vào sản xuất
Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, tình hình thời tiết, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Để tiếp tục phát huy vai trò “trụ đỡ” nền kinh tế, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện các chỉ tiêu chính đề ra trong năm 2022. Cụ thể, trong sản xuất vụ mùa, các địa phương thực hiện khuyến khích bà con gieo cấy 38.720ha lúa và 4.310ha ngô đảm bảo diện tích và khung thời vụ. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp bảo đảm chất lượng, chủng loại giống, vật tư phục vụ sản xuất. Mặt khác, chú trọng công tác dự báo và phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ cây trồng; tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị trong ngành Nông nghiệp và địa phương để triển khai, xây dựng các mô hình sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, ngành Nông nghiệp Thái Nguyên sẽ tập trung tiến hành chuyển đổi số nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, xây dựng bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, vùng sản xuất an toàn, hữu cơ; nghiên cứu, lựa chọn và đưa vào sử dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất, chất lượng cao và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, giảm chi phí nhân công cũng như áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, từ khâu làm đất đến thu hoạch, chế biến, bảo quản, ứng dụng canh tác không dùng đất (thủy canh, khí canh, trồng cây trên giá thể, màng dinh dưỡng); ứng dụng công nghệ để tự động hóa vận hành hệ thống máng ăn, nước uống, sát trùng và xử lý môi trường trong chăn nuôi.
Nói về định hướng của ngành Nông nghiệp Thái Nguyên trong những tháng cuối năm, lãnh đạo Sở Nông Nghiệp và PTNT khẳng định: Những kết quả toàn ngành đạt được trong nửa đầu năm 2022 chính là "xương sống" để nông nghiệp Thái Nguyên phát triển, tạo sức bật cho kinh tế nông thôn không chỉ trong năm 2022 mà còn cả giai đoạn 2020-2025. Từ những kết quả đó, cộng với những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế sẽ là tiền đề, cơ sở quan trọng để ngành Nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt hơn trong thời gian tới.