Hơn 10 ngày qua, thời tiết ở Thái Nguyên khá nắng nóng, oi bức. Do ảnh hưởng của thời tiết, nhiều trẻ nhỏ đã phải nhập viện. Tìm hiểu tại Bệnh viện A Thái Nguyên, chúng tôi nhận thấy có khá đông trẻ đến khám bệnh và phải nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10 trẻ phải nhập viện điều trị các loại bệnh nêu trên, tăng gần gấp đôi so với thời điểm tháng 5 và đầu tháng 6.
Tương tự, tại Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, số lượng bệnh nhi điều trị nội trú cũng tăng đột biến trong thời gian qua. Hiện nay, Trung tâm đang điều trị cho trên 80 bệnh nhi. Mỗi ngày, Trung tâm tiếp nhận khoảng 15 bệnh nhi, trong đó có 80% trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp và 20% trẻ mắc bệnh về đường tiêu hóa, tiêu chảy cấp, sốt virus, chân tay miệng...
Chị Trần Thị Hoa, phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên), nói: Hai tuần trước, con trai tôi (3 tuổi) phải nhập viện do bị viêm phế quản. Nhìn con bị sốt cao, kém ăn, ho… gầy tọp đi, vợ chồng tôi xót xa. Đã được xuất viện gần 1 tuần nay nhưng cháu vẫn rất mệt mỏi, biếng ăn, hay quấy khóc.
Theo các chuyên gia y tế, trẻ em có sức đề kháng kém hơn người lớn. Vì vậy, vào thời điểm thời tiết giao mùa, nắng nóng hoặc rét đậm, rét hại kéo dài, trẻ rất dễ mắc bệnh. Thời tiết nắng nóng, đặc biệt là khi độ ẩm trong không khí tăng cao là những điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển. Chẳng hạn như vi khuẩn, siêu vi… bùng phát, tấn công mạnh mẽ và gây bệnh cho con người, nhất là ở trẻ nhỏ. Các bệnh thường hay gặp do các nguyên nhân này đáng kể nhất là bệnh về hô hấp. Điển hình như viêm mũi họng, phế quản viêm phổi … Các trẻ có tiền sử bệnh hen phế quản rất dễ tái phát trong điều kiện thời tiết này.
Thời tiết nắng nóng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho một số loại vi-rút và muỗi phát triển. Vì vậy, trẻ hay bị muỗi đốt rất dễ mắc các bệnh do vi-rút gây ra. Ví dụ như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản hay bệnh chân tay miệng…
Ngoài ra, thời tiết oi bức, nhiệt độ môi trường thường tăng cao khiến trẻ thường bị các chứng rôm sảy gây ngứa ngáy, tiêu chảy... Hoặc trẻ có thể dễ bị say nắng nếu chơi ở ngoài trời nắng nóng quá lâu. Bởi vì cơ thể trẻ bị mất nước và muối khoáng khá nhiều thông qua sự bài tiết mồ hôi trên da, qua hơi thở…
Do đó, khi nắng nóng kéo dài, cha mẹ cần quan tâm chăm sóc để phòng bệnh, nhất là các bệnh về đường hô hấp cho trẻ. Bác sĩ CKI Đàm Thị Thùy Linh, Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, cho hay: Các bậc phụ huynh cần cho trẻ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, vệ sinh hợp lí trong quá trình chế biến cũng như lựa chọn thức ăn, bổ sung đủ cả lượng và chất, ăn đủ bữa, uống nhiều nước; bổ sung Vitamin C cũng như các Vitamin nhóm B cho trẻ. Cùng với đó là cho trẻ vệ sinh răng miệng, mũi họng thường xuyên để tránh nhiễm trùng và phòng tránh được các bệnh viêm đường hô hấp trên, hô hấp dưới. Ngoài ra, các bậc phụ huynh không nên cho trẻ ra ngoài khi nhiệt độ lên quá cao; cho trẻ mặc những trang phục đủ thoáng mát, chú ý che nắng, chống nắng khi ra ngoài; vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, trong lành, thoáng mát và an toàn cho trẻ khi vui chơi… Trong trường hợp sử dụng điều hòa, phụ hunh không nên để nhiệt độ quá thấp, sẽ ảnh hưởng đến trẻ em. Đặc biệt, khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh, cần cho trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời...